Việc cung cấp cho Ukraine một đảm bảo mạnh mẽ như thế nào về tư cách thành viên tương lai của NATO đã trở thành chủ đề thảo luận chính giữa 32 nước thành viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Washington tuần này. Dự thảo trên có thể thay đổi trước khi đưa ra phiên bản cuối cùng nhưng sự xuất hiện của từ "không thể đảo ngược" đã trở thành tín hiệu quan trọng với Kiev và Moscow khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu kết thúc.
Một trong các nguồn tin nhận định, Nhà Trắng ủng hộ việc sử dụng từ này trong tuyên bố cuối cùng miễn là tài liệu trên tái khẳng định, những nỗ lực của Ukraine nhằm thực hiện những cải cách dân chủ cần phải tiếp tục. Quan chức này cũng cho biết, phiên bản cuối cùng dự kiến sẽ có từ này.
Trong khi nhiều nước châu Âu nhấn mạnh yêu cầu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ về tương lai của Ukraine trong liên minh thì các quan chức Mỹ và Đức đã đề xuất gọi là một "cầu nối" cho tư cách thành viên trong NATO của Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "các biện pháp rõ ràng", theo cách nói của một nhà ngoại giao châu Âu, nhằm ủng hộ nỗ lực chiến đấu của Kiev trước quân đội Nga. Ruslan Stefanchuk, Chủ tịch Quốc hội Ukraine khẳng định trong một sự kiện ngày 8/7 rằng đó không chỉ là về ngôn từ mà còn là việc thực sự đưa Ukraine xích lại gần NATO.
Các quan chức Mỹ ngày 8/7 đã từ chối thảo luận về những nội dung cụ thể của tuyên bố chung trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
"Có một sự tập trung đáng kể vào những gì liên minh sẽ nói về con đường trở thành thành viên của Ukraine trong tuyên bố của hội nghị. Ngôn từ sẽ rõ ràng và mạnh mẽ. Nó sẽ công nhận những nỗ lực cải cách cần thiết đang diễn ra của Ukraine và thể hiện sự ủng hộ của liên minh cho Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO", Michael Carpenter, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia nhận định.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ ngày 5/7 cho biết họ "đã miêu tả các điều khoản của cầu nối trở thành thành viên và những gì NATO cung cấp cho Ukraine sẽ khá đáng kể".
Hồi tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Kiev cho biết Ukraine có một vị trí chính đáng trong NATO và liên minh này đang nỗ lực để thực hiện điều đó trên lộ trình không thể đảo ngược hướng đến việc đưa Ukraine trở thành thành viên của liên minh khi thời điểm phù hợp. Nga nhiều lần bày tỏ lập trường phản đối tư cách thành viên của Ukraine trong NATO do những lo ngại về an ninh.