Chiến dịch tranh cử chức Tổng thư ký NATO của ông Mark Rutte đã chính thức khép lại vào tuần này sau khi Rumania, quốc gia cuối cùng trong tổng số 32 thành viên của liên minh quân sự xác nhận sự ủng hộ đối với Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan. Ông sẽ trở thành lãnh đạo mới của NATO thay thế Tổng thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg vào tháng 10 tới.
Ông Mark Rutte, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu (EU) trong 14 năm, được ca ngợi là người giỏi tìm kiếm sự đồng thuận và là người ủng hộ vững chắc đối với Ukraine. Nhưng ngay cả khi là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, nhiệm vụ sắp tới của ông Mark Rutte cũng được cho là không hề dễ dàng.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker đánh giá: “Một trong những trọng trách của ông Mark Rutte trên cương vị mới sẽ là làm thế nào để thống nhất được lập trường liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt là các quốc gia Trung và Đông Âu, cũng như làm thế nào để các quốc gia đồng minh chi tiêu đủ cho quốc phòng, bao gồm cả Hà Lan. Ông đấy đã lãnh đạo Hà Lan trong hơn 1 thập kỷ và Hà Lan chưa bao giờ chi đủ cho quốc phòng. Điều này đồng nghĩa với việc, ông ấy tiếp quản vị trí Tổng thư ký NATO vào một thời điểm rất khó khăn và hoài nghi".
Bốn tuần sau khi ông Rutte bắt đầu công việc mới ở NATO, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và cựu Tổng thống Donald Trump, một người hoài nghi NATO - đang tìm cách tái đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng. Kịch bản ông Trump tái đắc cử cũng nhiều khả năng làm chệch hướng kế hoạch của NATO trong việc kết nạp Ukraine trong tương lai.
Ngay sau khi ông Rutte nhậm chức, lãnh đạo NATO cũng sẽ phải tiếp tục giải quyết bài toán hỗ trợ Ucraina trong cuộc xung đột với Nga và cam kết của các quốc gia đồng minh về chi tiêu quốc phòng. NATO hồi đầu tuần này cho biết 23 trong số 32 thành viên đạt mức chi ngân sách quốc phòng 2% GDP. Hà Lan cũng đã vượt qua ngưỡng này sau nhiều năm không hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa 1/3 liên minh chưa đạt mục tiêu, dù cam kết đã được đưa ra từ 10 năm trước.
Ngoài ra, ông Rutte cũng có thể phải đối mặt vấn đề đau đầu khi các nước gần biên giới Nga không thực sự ủng hộ ông. Họ bất bình về mức chi tiêu quốc phòng thấp của Hà Lan và đặc biệt khó chịu khi vai trò lãnh đạo NATO luôn thuộc về các nước Tây hoặc Bắc Âu, dù các thành viên sườn đông đã gia nhập liên minh hơn 1/4 thế kỷ. Ông cũng phải thuyết phục nhiều thành viên khác duy trì liên minh NATO, trong bối cảnh trên khắp châu Âu, các đảng cực hữu hoài nghi vai trò của NATO đang gia tăng mạnh mẽ, trong đó có Pháp.
NATO dự kiến công bố quyết định bổ nhiệm ông Mác Rút làm Tổng thư ký mới trước tháng 7 tới khi các nhà lãnh đạo NATO tới Washington để kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự.