“Mối quan hệ giữa NATO với Ukraine sẽ do 30 đồng minh NATO và Ukraine quyết định chứ không phụ thuộc vào ai khác” , ông Stoltenberg khẳng định trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
“Chúng tôi không thể chấp nhận việc Nga cố gắng thiết lập trở lại một trật tự mà ở đó, các cường quốc như Nga có phạm vi ảnh hưởng lớn để họ có thể kiểm soát hoặc quyết định những gì mà các nước khác được làm”.
Tổng thư ký NATO nhắc lại các thoả thuận an ninh châu Âu có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó ghi rõ “các quốc gia độc lập đều có quyền lựa chọn con đường của riêng mình, bao gồm cả việc tham gia các thoả thuận an ninh.”
Cũng tại cuộc họp báo, Tân Thủ tướng Đức Scholz đã gửi lời cảnh báo Mátxcơva: “Các đồng minh NATO thống nhất rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nữa đối với Ukraine sẽ phải trả giá đắt.”
“Chúng tôi kêu gọi Nga quay trở lại đường lối ngoại giao, giảm leo thang và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Scholz nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu NATO chính thức huỷ bỏ tuyên bố năm 2008, trong đó khuyến khích 2 quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Georgia và Ukraine gia nhập liên minh.
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 7/12 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng khung pháp lý để đảm bảo NATO không mở rộng về phía Đông và triển khai hệ thống vũ khí tấn công ở các nước tiếp giáp với Nga.
Đề xuất được đưa ra sau khi Tổng thống Putin khẳng định khối NATO đang tìm cách tiến vào lãnh thổ Ukraine và tăng cường tiềm lực quân sự của mình tại biên giới Nga.
Một ngày sau đó, khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Putin tiếp tục tuyên bố “sẽ là một tội ác nếu chúng tôi không có động thái gì mà chỉ nhu nhược quan sát tất cả những gì đang diễn ra” .
Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng việc khối quân sự do Mỹ đứng đầu mở rộng về phía Đông là “lằn ranh đỏ” đối với Mátxcơva và việc Ukraine gia nhập khối này là không thể chấp nhận được.
Theo bà Zakharova, Mỹ đang kéo Kiev vào quỹ đạo quân sự của NATO và biến nước này thành "đầu cầu" của cuộc đối đầu với Nga - một động thái có thể gây bất ổn cho châu Âu.