National Interest: Triều Tiên đang rơi vào khủng hoảng y tế hay kinh tế?

Hồng Nhung |

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh trong nước đã khiến Triều Tiên phải áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa đất nước với thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Theo National Interest, hệ thống y tế của Triều Tiên chưa thể trang bị đầy đủ và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh Covid-19. Đó là lý do tại sao chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng hi sinh lợi ích thương mại với một đối tác kinh tế lớn nhất – Trung Quốc để nỗ lực khống chế mức độ lây nhiễm của dịch bệnh vào nước này.

Nếu Bình Nhưỡng lựa chọn cách ly đất nước trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì chắc chắn nền kinh tế nước này sẽ phát triển chậm lại. Tuy nhiên, không một ai có thể lờ đi sự thật rằng các trừng phạt của Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng chính là nguyên nhân khiến hệ thống chăm sóc y tế của Triều Tiên được đánh giá là tồi tệ.

Theo tờ National Interest, kinh tế Triều Tiên đang đối mặt với khó khăn nhiều hơn trong năm nay. Và khủng hoảng kinh tế nhiều khả năng vẫn tiếp tục diễn ra trong các tháng tới.

Triều Tiên đang trải qua những ngày tháng khó khăn vì dịch bệnh. Mối lo ngại vì Covid-19 đã ảnh hưởng đến người dân Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng nhanh chóng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly được xem là nghiêm khắc nhất trên thế giới. Triều Tiên đóng cửa với các quốc gia giáp biên giới. Mọi giao dịch thương mại với Trung Quốc – trụ cột phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng - đều phải hoãn lại.

Theo Cục hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh đã xuất khẩu trị giá 253.000 đôla hàng hóa sang Triều Tiên vào tháng 10, giảm 99% so với tháng trước. Các vi phạm trong thời gian này đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả hành quyết.

Hệ thống y tế Triều Tiên có thể chưa được chuẩn bị đầy đủ và trang bị tốt nhất nhưng các nỗ lực của Bình Nhưỡng trong đại dịch đang chứng minh sự cố gắng hết sức vì sức khỏe của người dân.

Báo cáo viên của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên bày tỏ lo ngại về các trừng phạt của nước này đối với vi phạm của người dân trong báo cáo hồi tháng 10 với Hội đồng Bảo an. Báo cáo cho biết các trở ngại của biện pháp trừng phạt mà Bình Nhưỡng áp dụng đang gây khó khăn cho quá trình vận chuyển thuốc thang và thiết bị y tế hỗ trợ nhân đạo chống dịch bệnh.

"Quá trình thực hiện các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng toàn bộ kinh tế đất nước, gây ra hậu quả bất lợi đối với hoạt động kinh tế và xã hội của người dân", báo cáo viên cho biết.

Gợi ý cho rằng cách đảm bảo nhất để giải quyết mối lo lắng, theo các báo cáo viên, là xem xét lại các biện pháp trừng phạt và đảm bảo việc loại trừ đối với trường hợp hỗ trợ nhân đạo để có thể giúp nước này giải quyết các khó khăn y tế trong dịch bệnh.

"Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đánh giá lại các biện pháp trừng phạt nên đặt ưu tiên hơn bao giờ hết", các báo cáo viên của Liên hợp quốc tiếp tục nhấn mạnh.

Thực tế đã qua giai đoạn lắng nghe và cần phải thực hiện theo các gợi ý của các báo cáo viên của Liên hợp quốc. Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc đã đề xuất thay đổi các quy tắc đối với thủ tục hiện tại nhằm đẩy nhanh xem xét hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt liên quan đến đại dịch hay thiên tai. Ủy ban trừng phạt đã nhanh chóng có hành động theo yêu cầu này – điều gần như chưa từng xảy ra trong bộ máy hành chính của Liên hợp quốc. Trong các thủ tục mới nhất, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện sẽ xử lý các yêu cầu nhân đạo liên quan đến đại dịch một cách khẩn trương. Ngày 1/12, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên đã đăng tải nội dung sửa đổi “Thông cáo số 7 về thực hiện hỗ trợ” liên quan đến việc trừng phạt Bình Nhưỡng, Ủy ban đã quyết định kéo dài thời hạn miễn trừ trừng phạt đối với hoạt động viện trợ cho Triều Tiên đến 9 tháng, thay vì 6 tháng thông thường như quy định trước đó. Đề xuất này do Mỹ khởi xướng và đã được 15 nước thành viên HĐBA LHQ chấp thuận.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng mong muốn một sự thay đổi về các quy tắc của Triều Tiên. Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hiện đang đưa ra đề xuất loại bỏ việc xem xét yêu cầu nhân đạo và thay thế bằng hệ thống hạn ngạch, cụ thể là quy định số lượng đối với các mặt hàng chuyển đến Triều Tiên. Ý tưởng này có được chấp nhận hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Washington.

Thế giới hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế công cộng có quy mô lớn nhất trong thế kỷ. Giống với tất cả các dịch bệnh, Covid-19 không loại trừ bất kỳ ai và được xem là cuộc khủng hoảng xuyên biên giới. Hơn 65 triệu người trên thế giới đã mắc Covid-19 ở mọi quốc gia và hơn 1,5 triệu người đã tử vong. Các nước nghèo có hệ thống chăm sóc y tế kém chất lượng đều có nguy cơ dễ bị bùng phát dịch bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại