*Bài viết phản ánh quan điểm của Jacob Heilbrunn - tay viết kỳ cựu của National Interest, từng viết cho những tờ báo uy tín khác như Commentary, The Atlantic Monthly, The New York Times, Los Angeles Times, The Wall Street Journal...
Có một sự thật rằng việc khơi mào chiến tranh sẽ dễ dàng hơn là kết thúc. Tổng thống Donald Trump hiện đang nhận thấy mình cũng ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Lời đe doạ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc vào ngày 1/9 tới đã làm gia tăng sự thù địch đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã trả đũa bằng cách "thả trôi" để giá trị của đồng NDT "chìm" xuống và kêu gọi các công ty trong nước ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Họ còn đe doạ sẽ áp thêm thuế với mặt hàng này. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có dịp để lên tiếng, ông dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Vậy có những yếu tố nào trong này giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại hay không?
Nếu ông Trump nói về điều đó, ông có thể giận giữ và phá huỷ "vạn lý trường thành" ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hoá Mỹ của Trung Quốc. Nhưng thay vì thể hiện sự thống trị ngày càng lan rộng, thì ông Trump lại đang tạo ra những "vết thương" về kinh tế mà khó có thể chữa lành. Sự phụ thuộc của ông vào sai lầm về thuế quan có thể khiến nền kinh tế đối mặt với bế tắc.
Thật vậy, những xung đột thuần tuý của ông Trump, có nguy cơ biến Trung Quốc từ đối thủ cạnh tranh chiến lược thành một kẻ thù toàn diện. Nhưng nhiều thập kỷ sau khi vế "đối thủ cạnh tranh chiến lược" kết thúc, nước Mỹ không cần đến một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới. Ngược lại, một nền kinh tế, không kể đến quân sự, xung đột với Bắc Kinh là đi ngược lại với lợi ích quốc gia thực sự của họ.
Chúng ta đã từng chứng kiến những điều tương tự trong lịch sử. Sự nguy hiểm của "cơn gió độc hại" đến từ chủ nghĩa dân tộc và thuế quan đã tạo ra những bài học trọng tâm của những năm 1930 và thậm chí không cần phải học thuộc lòng.
Sau cuộc khủng hoảng tháng 10/1929, một chu kỳ áp thuế quan, đáng chú ý nhất là Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 - được cho là để hỗ trợ nông dân Mỹ, đã cho thấy thiệt hại ban đầu. Không lâu sau, một loạt các chính sách "bần cùng hoá người láng giềng" (beggar-thy-neighbor) được áp dụng mạnh mẽ, mang những nỗ lực nhằm phá giá các đồng tiền tệ trên toàn cầu.
Ông Trump đã "vượt mặt" những người tiền nhiệm. Sự đổi mới của ông ấy là áp thuế ở thời điểm nền kinh tế Mỹ đang "nở rộ". Có vẻ như những hành động của ông Trump không giống như một chiến lược dựa trên niềm tin vốn có - rằng ông có thể ép các đồng minh và đối thủ của Mỹ phải phục tùng bằng cách đe doạ họ với thuế quan. Ông ấy dường như đã vứt bỏ quan niệm rằng mình cần tham khảo ý kiến của các cố vấn khác nữa ngoài Peter Navarro - một "tín đồ" của kinh tế học trong thương.
Ông Navarro coi việc giao thương với Trung Quốc là một trò chơi có tổng bằng không và nhìn nhận Bắc Kinh theo phương diện thần học, đề cập đến "7 mối tội đầu" theo Kito giáo. Nếu có ai có thể đưa chúng ta đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, thì tôi sẽ lập luận rằng đó chính là Navarro.
Ý tưởng sống động ấy dường như thúc đẩy cách tiếp cận của ông Trump, là nước Mỹ có thể mang đến sự trừng phạt trên toàn thế giới. Thế nhưng, kết quả thu về lại không phải là những điều tốt đẹp nhất. Ông Trump đã không thuyết phục được Quốc hội phê duyệt thoả thuận thương mại với Canada và Mexico. Ông ấy đang tạo ra những tiếng đe doạ về thương mại với Nhật Bản và châu Âu.
Quan trọng nhất, ông Trump đang "sa lầy" vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc - bên đang vui vẻ chứng kiến cảnh ông Trump gây thiệt hại cho chính nền kinh tế Mỹ, không chỉ là những người nông dân đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông.
Do sự thất thường trong chính sách của Mỹ, Bắc Kinh có thể quyết định họ sẽ vĩnh viễn chuyển hướng nhập khẩu nông sản từ các nước khác, trong đó có Nga - vốn đã tăng cường mua lúa mì và đậu tương.
Ông Trump đặt cược rằng Trung Quốc sẽ không sẵn sàng hứng chịu sự suy thoái kinh tế, nhưng lại đánh giá thấp niềm tự hào dân tộc của họ. Trung Quốc trước đây vốn là một quốc gia phải chịu sự đô hộ của nhiều thế lực đế quốc vào thế kỷ XIX, giờ đây khó có khả năng họ sẽ chịu đầu hàng.
Mới đây, tờ Wall Street Journal đã tuyên bố rằng chính sách thuế quan của ông Trump đã khiến tăng trưởng GDP giảm tốc. Ông Trump sẽ cố gắng đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhưng giờ đây lại nhận được một số ý kiến phản đối.
Trong tuyên bố chung trên WSJ, các cựu lãnh đạo Fed Paul Volcker, Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen cho biết rằng: "Chúng tôi đồng tình rằng Fed và chủ tịch của cơ quan này phải được hoạt động độc lập vì lợi ích cao nhất của nền kinh tế, không chịu áp lực về chính trị và đặc biệt là không có mối đe doạ bị sa thải hay giáng chức đối với các lãnh đạo của Fed vì lý do chính trị."
Trong khi đó, ông Trump vẫn tự "huyễn hoặc" rằng Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, đang phải chịu chi phí từ thuế quan của mình. Nếu ông ấy vẫn tiếp tục phá hoại nền kinh tế, thì chính ông sẽ là người cho cả thế giới thấy ai là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.