Thứ Sáu vừa rồi, NASA công bố phi hành đoàn đầu tiên bay lên không gian, kể từ khi dự án tàu con thoi của họ chính thức dừng lại vào năm 2011. Nhóm phi hành gia kì cựu vừa ra mắt công chúng sẽ là niềm hi vọng của NASA vào một kỉ nguyên du hành vũ trụ mới.
Đội phi hành gia này sẽ không lên vũ trụ bằng tàu do NASA phát triển, mà sẽ là tàu tới từ đự án hợp tác giữa SpaceX và Boeing. Hai công ty hàng đầu này đang cùng nhau thực hiện một dự án cung cấp một dịch vụ có thể gọi đơn giản là taxi chở khách tới Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Trong buổi lễ diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, giám đốc của NASA là Jim Bridenstine đã đứng trên sân khấu giới thiệu từng thành viên mới của phi hành đoàn. Các phi hành gia chia ra làm hai nhóm: một sẽ làm việc cho SpaceX và một sẽ làm cho Boeing.
Trong buổi bay thử đầu tiên của tàu Starliner thuộc Boeing, NASA chọn ra các phi hành gia là Eric Boe, Nicole Mann để bay cùng chuyên gia của Boeing là Chris Ferguson. Phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley sẽ tiến hành bay thử tàu Dragon của SpaceX.
Trong chuyến du hành đầu tiên lên trạm ISS, hai phi hành giaSunita Williams và Josh Cassada sẽ bay cho Boeing; phi hành đoàn gồm Victor Glover và Michael Hopkins sẽ bay với Dragon.
"Thực sự là một cơ hội có một không hai trong đời", phi hành gia Mann, người đã chính thức bước vào ngành năm 2013, nói.
"Chuyến du hành với tàu vũ trụ sẽ là thứ bạn luôn mơ tới khi còn là phi công thử nghiệm", phi hành gia Hurley, người đã có mặt trên chuyến tàu con thoi cuối cùng, thổ lộ.
Từ trên xuống dưới, trái sang phải: Sunita Williams, Bob Behnken, Doug Hurley và Eric Boe.
Trong một buổi phóng vấn, giám đốc NASA Jim Bridenstine so sánh đội ngũ phi hành gia mới được chọn với đội Mecury 7 – bảy phi hành gia đã bay thử tại buổi bình minh của Kỉ nguyên Vũ trụ, thành tựu của họ đã được dựng thành phim The Right Stuff.
"Đội Mercury 7 và những đội chúng tôi vừa công bố đều có chung một tinh thần. Sau bao nhiêu năm ròng, tinh thần ấy vẫn không hề mai một".
Năm 2014, Boeing và SpaceX kí thành công bản hợp đồng 6,8 tỉ USD, mục đích phát triển cho NASA một hệ thống tàu có thể đưa người lên trạm ISS.
Kể từ lúc ấy, hai công ty vẫn tranh đua để xem ai có thể đạt được thành tựu này trước tiên, một sự đối đầu có thể coi là cuộc đua vũ trụ của thế kỷ mới. Tại sự kiện ra mắt, hai đội có hai bộ đồng phục khác hẳn nhau: Boeing có màu xanh dương, còn SpaceX là bộ đen trắng.
Giám đốc Bridenstine tuyên bố rằng đây là thời khắc lịch sử của NASA: "Chúng ta đang đưa phi hành gia người Mỹ lên không ngay trên đất Mỹ".
Còn về phía Boeing và SpaceX, họ đều có vẻ đang chậm trong cuộc đua này: cả hai đều có dự kiến bay thử vào cuối năm nay, nhưng đã bị đẩy lùi lại tới năm 2019.
Chủ tịch của SpaceX là Gwynne Shotwell nói với đội ngũ phi hành gia của NASA được giao phó cho mình: "Quả thực là một vinh hành khi được là một phần của chương trình vũ trụ này và được đưa mọi người lên không gian. Tôi chân thành cảm ơn. Chúng tôi rất coi trọng chương trình này. Chúng tôi sẽ không làm mọi người thất vọng".
SpaceX nói rằng họ sẽ đưa các đội phi hành gia lên không vào tháng Tư năm sau. Boeing nói phải tới giữa năm sau, họ mới có thể tiến hành dự án. Giám đốc NASA tin vào lịch trình này, hào hứng nói rằng "Chúng ta đã rất gần ngày đó rồi. Phải, tôi rất tự tin vào dự án".
Ngay tuần vừa rồi, Boeing xác nhận rằng hệ thống hủy chuyến bay khẩn cấu gặp trục trặc, một vài van dẫn đã không đóng đúng cách khiến dung dịch chảy ra ngoài. Boeing đã khắc phục được vấn đề và đang gấp rút tiến hành sửa chữa.
SpaceX không đưa ra lý do chậm hạn chót chuyến bay thử. Nhưng thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy cho hay họ đã đang xử lý những trục trặc có thể khiến hệ thống tên lửa cực mạnh của mình phát nổ.
Người Mỹ đang rất mong chờ vào sự thành công của dự án này: kể từ khi các sứ mệnh tàu con thoi dừng lại 7 năm về trước, phi hành gia Mỹ đã phải lên không bằng tên lửa Nga, bệ phóng đặt tại Kazakhstan.