Ngày 13/10/2023, NASA chính thức đưa lên không tàu Psyche - thành tố tối quan trọng của Chương trình Khám Phá, nhằm mục đích nghiên cứu một thiên thể giàu kim loại bay quanh Mặt Trời và nằm giữa cặp hành tinh Sao Hỏa-Sao Mộc.
Mục tiêu nghiên cứu là thiên thạch có tên Psyche (phiên âm: sai-ki), được cho là một lõi hành tinh cấu thành từ kền và sắt. Nằm tại trung tâm Trái Đất cũng là một lõi kim loại dạng này, nhưng vì ta không thể trực tiếp quan sát lõi Trái Đất, sứ mệnh Psyche sẽ là cơ hội ngàn năm có một giúp nhân loại hiểu hơn về hành tinh của mình.
Một điểm đặc biệt khác của sứ mệnh Psyche, là tàu thăm dò không gian không sử dụng sóng vô tuyến như nhiều những sứ mệnh trước đây, mà sử dụng laser hồng ngoại để truyền dữ liệu.
Những bài thử cho thấy phương pháp truyền tín hiệu này khả thi: tàu Psyche nằm cách Trái Đất 226 triệu kilomet (1,5 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời) khi tín hiệu thử nghiệm được gửi đi.
Đây cũng là lần đầu tiên NASA thử nghiệm hệ thống Liên lạc Quang học Không gian Sâu, và bài thử đồng thời cho thấy dù ở khoảng cách xa đến vậy, dữ liệu vẫn có thể được tải xuống với tốc độ lên tới 25 Mbps, nhanh hơn từ 10-100 lần so với truyền tín hiệu vô tuyến.
Các nhà khoa học phải thử nghiệm nhiều lần để đảm bảo công tác truyền dữ liệu qua laser hồng ngoại vận hành ổn định. Những bài thử trước đây cho thấy tín hiệu laser có thể bị chắn bởi mây, một sự cố chưa bao giờ xảy ra với tín hiệu vô tuyến.
“Chúng tôi học được nhiều điều về giới hạn của hệ thống dưới một bầu trời quang đãng, dù rằng có vài lần bão đã gây ra gián đoạn”, Ryan Rogalin, trưởng một dự án về tín hiệu tại Phòng thí nghiệm Phản lực Đẩy trực thuộc NASA, cho hay.
Trong tương lai gần, nhóm sẽ tiếp tục thử nghiệm truyền tín hiệu bằng laser hồng ngoại với khoảng cách xa hơn nữa, gấp 2,5 lần quãng đường từ Trái Đất tới Mặt Trời. Và nếu bài thử này diễn ra đúng như kỳ vọng, con người sẽ sớm có một đường truyền tín hiệu lên tới 25 Mbps liên kết Trái Đất và Sao Hỏa.