NASA thành công trong thử nghiệm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh để 'cứu Trái đất'

Tất Đạt |

Thử nghiệm của NASA đã biến những dự đoán khoa học trở thành sự thật.

Thử nghiệm thành công

NASA hôm 11/10 đã đạt được thành công vượt mong đợi trong sứ mệnh làm chệch hướng một tiểu hành tinh. Đây được đánh giá là một thử nghiệm khoa học như trong phim viễn tưởng về khả năng của nhân loại trong việc ngăn chặn một vật thể vũ trụ có khả năng tàn phá sự sống trên Trái đất.

Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết, thiết bị bay vũ trụ đặc biệt có tên sứ mệnh "Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi" (DART) đã đập vào tiểu hành tinh Dimorphos vào ngày 26/9, khiến nó bay theo một quỹ đạo nhỏ hơn, nhanh hơn xung quanh tiểu hành tinh lớn Didymos. Sứ mệnh này trị giá 330 triệu USD và mất 7 năm để phát triển, và đây cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về hệ thống phòng thủ hành tinh để ngăn chặn nguy cơ va chạm tiềm tàng của thiên thạch với Trái đất.

DART đã khiến Dimorphos thay đổi chu kỳ quỹ đạo của nó 4%, hoặc 32 phút - từ 11 giờ 55 phút thành 11 giờ 23 phút, vượt kỳ vọng của NASA 10 phút.

NASA thành công trong thử nghiệm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh để cứu Trái đất - Ảnh 1.

"Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nếu chúng ta tìm thấy một tiểu hành tinh đang đe dọa đâm vào Trái đất và đủ lớn để thực sự gây ra một số thiệt hại, thì ơn trời là chúng ta đã có thử nghiệm thành công này", ông Nelson nói với AFP.

Được biết, cặp tiểu hành tinh này cùng nhau quay quanh mặt trời với chu kì 2,1 năm và không gây ra mối đe dọa nào cho Trái đất. Các nhà khoa học NASA đã chọn cặp tiểu hành tinh này để thử nghiệm vì chúng là đối tượng rất lý tưởng để nghiên cứu phương pháp "tác động động học" của hệ thống phòng thủ hành tinh.

Thành công của DART đã biến những điều được coi là "khoa học viễn tưởng" trở thành sự thật.

Dimorphos có đường kính 160 mét (hoặc gần bằng kích thước của một kim tự tháp Ai Cập lớn), có hình dạng giống quả trứng, bề mặt gồ ghề, đầy đá cuội. Nó đã bị thay đổi quỹ đạo khi bị DART đâm với tốc độ khoảng 23.500 km/h.

Trong những ngày sau đó, các nhà thiên văn học vui mừng trước những hình ảnh tuyệt đẹp do kính viễn vọng không gian và trên Trái đất ghi lại những vệt dài hàng nghìn km ở đằng sau Dimorphos. Với chiếc đuôi tạm thời này, Dimorphos đã trở thành một "sao chổi nhân tạo".

NASA thành công trong thử nghiệm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh để cứu Trái đất - Ảnh 2.

Giám đốc NASA Bill Nelson (trái) phát biểu về sứ mệnh DART.

Tuy nhiên, để định lượng được kết quả thử nghiệm, các nhà khoa học cần phân tích các mẫu ánh sáng từ kính thiên văn mặt đất, và điều này phải mất đến vài tuần.

Hệ thống tiểu hành tinh đôi, cách Trái đất khoảng 11 triệu km khi va chạm, chỉ là một chấm sáng nhỏ khi nhìn từ mặt đất.

Nhà khoa học hành tinh Nancy Chabot của NASA cho biết bốn kính thiên văn quang học - tất cả đều ở Chile và Nam Phi - đã cùng đo lường chu kỳ quỹ đạo trong khi hai kính viễn vọng radar của Mỹ đã giúp xác nhận các phát hiện này.

Qua thử nghiệm, các nhà khoa học cũng phát hiện rằng tiểu hành tinh này không giống khối đá rắn, mà giống một "tập hợp" gồm nhiều tảng đá bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn.

Nhà khoa học Tom Statler của NASA cho biết, thử nghiệm sẽ đóng vai trò như một nền tảng cho các mô phỏng và tính toán về kết quả của các vụ va chạm trong tương lai.

Nguy cơ va chạm

Theo NASA, không có tiểu hành tinh nào có kích thước lớn hơn 140 mét - đủ lớn để tàn phá một thành phố - có khả năng va vào Trái đất trong 100 năm tới. Nhưng trong thời gian đủ dài, thì khả năng này rất có thể trở thành sự thật.

Ví dụ, điều tra địa chất cho thấy một tiểu hành tinh rộng 10km đã tấn công Trái đất 66 triệu năm trước, đẩy thế giới vào một mùa đông dài dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của loài khủng long cùng với 75% tổng số loài lúc đó.

Năm 2026, cơ quan này có kế hoạch ra mắt một kính viễn vọng có tên là Kính truy quét Vật thể Gần Trái đất (NEO) để nhìn rõ hơn các tiểu hành tinh và sao chổi với nguy cơ tiềm tàng trong phạm vi 48 triệu km quanh Trái đất.

NASA thành công trong thử nghiệm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh để cứu Trái đất - Ảnh 3.

Tác động động học với tàu vũ trụ chỉ là một trong số nhiều cách để bảo vệ hành tinh, mặc dù là phương pháp duy nhất có thể thực hiện được với công nghệ hiện tại.

Nếu một vật thể tiếp cận Trái đất được phát hiện sớm, một con tàu vũ trụ có thể được phóng đến bay cùng nó trong thời gian đủ lâu để chuyển hướng quỹ đạo của vật thể bằng cách sử dụng lực hút của con tàu, tạo ra cái gọi là "máy kéo trọng lực".

Một lựa chọn khác là phóng chất nổ hạt nhân để chuyển hướng hoặc phá hủy một tiểu hành tinh.

NASA tin rằng cách tốt nhất để triển khai những phương án như vậy là ở khoảng cách xa, để tạo ra lực thay đổi quỹ đạo mà không làm nổ tiểu hành tinh này thành những mảnh vụn có thể tiếp tục rơi xuống Trái đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại