NASA nghi ngờ hành tinh lùn gần Sao Hải Vương có sự sống

Anh Thư |

Nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng John Hopkins, NASA (Mỹ) và Viện Vật lý Thiên văn Andalusia (Tây Ban Nha) vừa đánh giá lại khả năng chứa đựng sự sống của hành tinh lùn Ceres bí ẩn.

Theo Sci-News, các nhà khoa học đã quyết định phân tích lần nữa sự hiện diện đầy bí ẩn của các hợp chất hữu cơ béo trên Ceres, được sứ mệnh Dawn của NASA phát hiện lần đầu từ năm 2017 để xác định nguồn gốc của chúng cũng như đánh giá lại khả năng sinh sống của Ceres.

NASA nghi ngờ hành tinh lùn gần Sao Hải Vương có sự sống - Ảnh 1.

Hành tinh lùn Ceres - Ảnh: NASA

Nhiều nhà khoa học cho rằng các phân tử hữu cơ này không có sẵn mà đã được hình thành từ các vật liệu vô tri - sau khi vật chất nguyên thủy của Ceres bị biến đổi bởi nước mặn - theo cùng cách mà các phản ứng khai sinh sự sống đã hoạt động trên Trái Đất sơ khai.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Terik Daly từ APL cho biết các chất hữu cơ này được phát hiện ban đầu ở gần một miệng hố va chạm lớn, nên họ muốn thử nghiệm xem tác động vũ trụ có ý nghĩa như thế nào trong sự tồn tại của nó.

Một loạt thí nghiệm đã được thực hiện tại Ames Vertical Gun Range của NASA, một "trường bắn" đặc biệt chuyên để mô phỏng tính chất vật lý và cơ học của các vụ va chạm không gian.

Các thí nghiệm mô phỏng các điều kiện va chạm điển hình của Ceres, với tốc độ va chạm trong khoảng 2-6 km/s và góc va chạm thay đổi trong khoảng từ 15 đến 90 độ so với phương ngang.

Các tác giả cũng đã tiến hành một phân tích mới kết hợp dữ liệu từ hai thiết bị khác nhau – máy ảnh và máy quang phổ hình ảnh bay trên tàu vũ trụ Dawn.

Kết quả cho phép họ điều tra các chất hữu cơ ở mức độ chi tiết hơn trước đây, cũng như xác nhận rằng các tác động cổ đại có thể là kích thích tố cần thiết để các vật liệu nguyên sơ biến thành hợp chất hữu cơ, với sự tham gia của nước.

"Có khả năng một lượng lớn chất hữu cơ ẩn bên trong Ceres. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, kết quả đó làm tăng tiềm năng sinh học vũ trụ của Ceres" - TS Daly giải thích.

Ceres là một hành tinh lùn nằm ở quỹ đạo xa xôi bên ngoài Sao Hải Vương, vì vậy khả năng sự sống tồn tại trên bề mặt lạnh giá của nó thấp.

Tuy nhiên, NASA từng phát hiện bằng chứng cho thấy thế giới này chứa đầy nước bên dưới bề mặt. Với sự hiện diện của chất hữu cơ và bằng chứng vừa được xác nhận về cách chất hữu cơ đó hình thành, khả năng hành tinh lùn này có sự sống - ít nhất là vi sinh vật - càng tăng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại