NASA muốn mang nấm ở Chernobyl lên trồng ở sao Hỏa, bởi nó có thể hấp thụ bức xạ vũ trụ để sống

ZKNIGHT |

Năm 1991, 5 năm sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, các nhà khoa học quay trở lại khảo sát hiện trường vụ nổ và phát hiện ra một loài nấm mọc trên những bức tường của lò phản ứng.

Năm 1991, 5 năm sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, các nhà khoa học quay trở lại khảo sát hiện trường vụ nổ và phát hiện ra một loài nấm mọc trên những bức tường của lò phản ứng.

Điều này khiến họ hết sức bối rối, bởi môi trường nhiễm xạ nặng từng được cho là sẽ giết chết bất kỳ loài sinh vật nào gần đó. Những cây nấm không chỉ có thể sinh sôi ở đây, mà chúng dường như còn bị thu hút bởi phóng xạ giống với cách cây cối bị hút về phía có ánh sáng.

Một số mẫu nấm đã được thu thập lại, các nhà khoa học mang chúng về phòng thí nghiệm và phát hiện ra một đặc điểm kỳ lạ: Những cây nấm này có một lượng hắc tố melanin cao bất thường.

NASA muốn mang nấm ở Chernobyl lên trồng ở sao Hỏa, bởi nó có thể hấp thụ bức xạ vũ trụ để sống - Ảnh 1.

NASA muốn mang nấm ở Chernobyl lên trồng ở Sao Hỏa, bởi nó có thể hấp thụ và sống nhờ bức xạ

Melanin chính là sắc tố có trên da người, những người có màu da càng sẫm thì càng có nhiều melanin. Hợp chất này được biết đến với khả năng hấp thụ ánh sáng và phân tán bức xạ cực tím chiếu vào da, bảo vệ chúng ta khỏi bị ung thư.

Trên những cây nấm ở Chernobyl, melanin còn làm một nhiệm vụ quan trọng hơn nữa. Nó dường như có thể chuyển năng lượng bức xạ thành năng lượng hóa học trong một quá trình mà các nhà khoa học đặt tên là "xạ hợp" (radiosynthesis).

Tương tự như quang hợp (photosynthesis) ở các loài thực vật, nấm ở Chernobyl có thể hấp thụ bức xạ và sống nhờ vào đó. Phát hiện này ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Chúng ta biết NASA đang nhắm tới việc đưa con người lên Sao Hỏa. Nhưng trước khi điều đó có thể xảy ra, họ sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức về mặt kỹ thuật. Một trong số đó là làm sao để bảo vệ các phi hành gia khỏi bức xạ đến từ vũ trụ.

Sao Hỏa được biết đến là một hành tinh có khí quyển mỏng, do đó, các tia vũ trụ có thể chiếu thẳng xuống bề mặt của nó.

Trong các chuyến du hành không gian dài ngày, các phi hành gia cũng phải phơi nhiễm dưới một mức độ phóng xạ lớn hơn nhiều dưới bề mặt Trái Đất, nơi chúng ta được bảo vệ bởi một lớp từ quyển và khí quyển dày.

Ý tưởng là nếu loài nấm ở Chernobyl có thể hấp thụ phóng xạ, chúng ta có thể sử dụng chúng như một lớp phủ bảo vệ bên ngoài các công trình trên Sao Hỏa, hoặc bên trong lớp vỏ tàu vũ trụ.

Các nhà khoa học NASA thử nghiệm nấm hấp thụ phóng xạ ở Chernobyl trên trạm vũ trụ quốc tế ISS

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Carolina, Đại học Charlotte và Đại học Stanford đã thử nghiệm ý tưởng này. Họ mang một số bào tử nấm ở Chernobyl, bây giờ đã được xác định là loài cladosporium sphaerospermum, lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Sau khi đã lên tới nơi, các nhà khoa học đã nuôi nấm trên một đĩa petri. Trong vòng 30 ngày, nấm Chernobyl đã mọc phủ kín bề mặt đó. Các nhà khoa học đặt một cảm biến phía sau đĩa petri và đo lượng bức xạ họ thu được so với một đĩa petri khác không có nấm.

Kết quả, bức xạ đã giảm được 2%. Mặc dù đây không phải là một con số cao, nhưng bằng việc chồng nhiều lớp nấm này lên nhau, bức xạ có thể giảm xuống một cách đáng kể hơn.

Các nhà khoa học cho biết điều quan trọng nhất là nấm bản thân là một loài sinh vật sống có thể sinh trưởng. Bạn có thể chỉ cần mang theo một lượng rất nhỏ bào tử trên tàu du hành, rồi khi hạ cánh xuống Sao Hỏa, số bào tử này có thể được trồng bung ra thành nhiều lớp bảo vệ chống bức xạ.

Điều này sẽ tiết kiệm không gian và khối lượng hàng hóa so với việc chở lên Sao Hỏa những lớp kính chống tia được làm sẵn từ Trái Đất. Và về cơ bản, nấm cladosporium sphaerospermum có thể là một vật liệu chống bức xạ giá rẻ, gần như miễn phí.

NASA muốn mang nấm ở Chernobyl lên trồng ở sao Hỏa, bởi nó có thể hấp thụ bức xạ vũ trụ để sống - Ảnh 2.

Nấm cladosporium sphaerospermum được nuôi trên trạm ISS.

Trở ngược lại quá khứ, cladosporium sphaerospermum cũng không phải loài nấm đầu tiên và duy nhất có khả năng "xạ hợp" -biến bức xạ thành năng lượng hóa học. Trước đây, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một loài nấm sống ở đầu kỷ Phấn trắng cũng có khả năng này.

Đó là thời điểm mà Trái Đất phải vượt qua một "điểm không từ tính", ở đó nó mất đi lớp từ quyển chống bức xạ đến từ vũ trụ. Kết quả là nhiều loài động thực vật đã bị diệt vong, trong khi nấm vẫn có thể thích nghi để sinh trưởng và phát triển.

Bây giờ, nấm cladosporium sphaerospermum ở Chernobyl tiếp tục cho thấy loài sinh vật này có một khả năng sống hết sức kiên cường và đáng kinh ngạc.

Tham khảo Phys

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại