Bức ảnh vừa được NASA công bố do LRO chụp vào ngày 25-5, tiết lộ không chỉ một lỗ thủng đơn độc, mà trông như một "miệng núi lửa kép", mà các nhà thiên văn kết luận phải do tác động từ một tên lửa.
Science Alert dẫn lời tiến sĩ Mark Robinson, điều tra viên chính của nhóm LRO Camera, rằng miệng núi lửa kép gồm một lỗ phía Đông rộng 18 mét chồng lên một lỗ phía Tây rộng 16 mét này là do vật thể lớn đâm vào nó, rất nặng và có khác biệt khối lượng ở 2 đầu.
Ảnh chụp Mặt Trăng cho thấy lỗ thủng bí ẩn - Ảnh: LRO/NASA
"Thông thường một tên lửa đã qua sử dụng có khối lượng tập trung ở phía chứa động cơ, phần còn lại chủ yếu gồm một thùng nhiên liệu rỗng" - ông cho biết. Điều này không giúp xác định danh tính của tên lửa nhưng cho thấy "kẻ tấn công" Mặt Trăng là một tên lửa.
Nhiều "nghi phạm" đã được chỉ ra kể từ khi các dữ liệu ban đầu cho thấy một vật thể lớn chuẩn bị lao vào Mặt Trăng - hồi đầu tháng 3-2022, bởi phần mềm theo dõi các mảnh vỡ không gian sáng tạo bởi nhà khoa học hành tinh độc lập Bill Gray.
Nghi phạm đầu tiên được cho là tầng trên của một tên lửa SpaceX, thứ đã phóng Đài quan sát Khí hậu không gian sâu (DSCOVR) của NASA lên vũ trụ năm 2015.
Tuy nhiên phản hồi từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA cho hay quỹ đạo của tên lửa SpaceX và DSCOVR không thể đưa bất kỳ mảnh vỡ nào về phía Mặt Trăng. Ông Bill Gray đã "đào" lại các dữ liệu của mình và sau đó chứng thực điều này.
Một vài phân tích sau đó đã giúp Bill Gray hướng nghi ngờ về phía Hằng Nga 5-T1 của Trung Quốc, phóng vào năm 2014, sứ mệnh đặt nền móng cho Hằng Nga 5 là tàu vũ trụ đã lấy thành công mẫu Mặt Trăng về Trái Đất năm 2020.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell, người đang tham gia nhóm điều hành Đài quan sát tia X Chandra của NASA, cũng đồng tình rằng đó là Hằng Nga 5-T1.
Tuy nhiên vài ngày sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng đó không phải tên lửa của họ, vì toàn bộ tên lửa bị nghi ngờ đã lao xuống biển ngay sao khi phóng.
Vì vậy, danh tính thủ phạm làm thủng lỗ Mặt Trăng vẫn còn là chủ đề liên tục gây tranh cãi.