Nào chúng ta cùng vườn-ao-chuồng hóa... cao ốc

Hoàng Xuân |

Bất chấp đang sống trong khu dân cư đông đúc, toàn dân nô nức phấn khởi thực hành nông thôn hóa thành thị, vườn ao chuồng hóa cao ốc, lợn gà hóa khu dân cư.

Sát nhà chị gái tôi là nhà vợ chồng một công chức về hưu sớm. Họ làm thêm và tiết kiệm bằng cách nuôi gà, nuôi chim cút, nuôi nhím v.v... và trồng rau.

Cái chuồng nuôi vài chục con gà của họ đặt sát hàng rào phân cách hai nhà.

Cách đó chỉ hai mét, qua cái sân nhỏ bên hông nhà chị tôi, là phòng ngủ của chị.

Và thế là chị tôi hứng trọn mùi lông gà, mùi phân gà, mùi thức ăn và ruồi muỗi vo ve trong những tháng nóng nực. Mỗi sáng gà gáy ò ó o, đập cánh phành phạch điếc cả tai, không cách nào ngủ nổi.

Bức tranh đồng quê có tiếng gà gáy sớm chỉ đẹp khi ta đọc trong tiểu thuyết hay xem trên phim, có tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương lay động hồn quê. Còn khi nó là tiếng gà gáy vang động vào lúc 5 h sáng, khi ta hoàn toàn không cần cái báo thức bắt buộc đó, cũng không thể với tay tắt nó đi, thì nó là mối phiền toái, cực kỳ phiền toái.

Hơn nữa, chỗ nhà chị tôi là một cư xá của ngành, ở trung tâm của một thành phố chứ không phải làng mạc, nơi nhà cửa thường nằm trong vườn tược rộng rãi và tiếng gà tiếng chó đã thành quen thuộc, báo hiệu cho một ngày dậy sớm ra đồng.

Nhắc nhở nhỏ nhẹ hoài không xiết, chị tôi đành báo lên tổ dân phố. Cùng với vài cái đơn từ các hàng xóm khác nữa, bác hàng xóm phải đi mua ni lon bịt kín cái chuồng gà ở phía sát nhà chị tôi và cam kết đảm bảo không có mùi, muỗi và mạt bay qua. Các chuồng khác giáp với các nhà khác cũng tương tự.

Nhưng cái tiếng gáy báo thức bắt buộc kia thì không tắt được. Và, là hàng xóm, lại hầu hết làm cùng ngành cùng cơ quan nên những người khác đành ấm ức chịu đựng.

Cách đó vài nhà, một ngôi nhà khác cũng đầy hoa và rau. Anh chủ nhà này cẩn thận lấy nước tiểu của cả nhà cho vào mấy lu nhỏ đặt gần các bồn hoa, rồi vài tuần lấy ra hết sức thận trọng, hòa với nước đem tưới. Mùi khắm lặm bốc ra đến thật nồng nàn.

Thế nhưng những anh chị đó chưa ăn thua gì với những ngôi nhà biến thành mô hình VAC (Vườn-Ao-Chuồng) ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Trong đó có những ngôi nhà ống bốn tầng nhưng chủ nhà tự dựng lên 3 tầng nữa bằng fibro ciment và gỗ, để làm chuồng nuôi heo.

Còn những mô hình trồng rau hộp xốp, góc sân thượng để cái chuồng gà nuôi độ hơn chục con thì vô cùng phổ biến.

Đây không phải là thú yêu cây cỏ. Nó là sự chống chọi của một số người tiêu dùng trước nỗi hoảng sợ thực phẩm gây ung thư, đã trở thành nỗi lo sợ thường trực và trước mắt, nhất là trong năm ngoái, 2015.

Vô số tin tức về các loại thực phẩm ăn vào là chết vì ung thư được lan truyền với tốc độ dữ dội: rau muống tướt nhớt ăn vào gây ung thư, cá rô phi gây hen suyễn, mít nhúng hóa chất, sầu riêng nhúng hóa chất, chuối nhúng hóa chất, cá hồi gây ung thư...

Hầu như tất cả chúng đều được share trên mạng xã hội với tốc độ dữ dội. Người dùng fb liên tục tag người nhà, bạn bè vào. Và hành xử đầu tiên là tẩy chay. "Chưa biết đúng sai thế nào nhưng thôi cứ tẩy chay cho yên tâm" - thường thì chúng ta sẽ nói với nhau như vậy.

Nỗi sợ và định kiến về "hóa chất" ngấm sâu, bền vững tới mức ngay cả khi những kỹ sư nông học, những nhà khoa học có tiếng phản bác thông tin bịa đặt sai lệch, chia sẻ trên trang mạng cá nhân của mình kiến thức đúng thì nhiều người tiêu dùng vẫn không tin.

Các nhà khoa học lên báo nói. Dân vẫn không tin.

Chịu hết nổi, doanh nghiệp và các nhà khoa học tổ chức hội thảo, mời nông dân và báo giới đến rộng rãi, thông tin chia sẻ trên nhiều báo với cơ sở rõ ràng. Vẫn còn nhiều người không tin.

Họ không tin không phải vì có cơ sở để phản biện lại chứng minh của các nhà khoa học. Không tin vì niềm tin đã quá nhiều lần lung lay không chỉ trong lĩnh vực này (kiểu thôi thì không tin nhiều lần rồi, giờ không tin lần nữa cũng chẳng chết ai). Không tin còn bởi ... "ông thích thế", "ông chọn vế tiêu cực của sự kiện", ngay cả khi nó không xảy ra đi chăng nữa.

Ví dụ về mít, chuối, sầu riêng được giấm bằng chất làm chín đều Ethephon, đã được cho phép của Bộ nông nghiệp và không có độc hại, không thể ngấm vào bên trong trái. Nhưng chẳng có mấy người tin.

Tâm lý đặc biệt này ngay lập tức gây ra những phản ứng dây chuyền, mà dễ thấy nhất là việc tiếp tế nông sản ở quê ra thành phố. Những bà mẹ sinh sống ở quê tháng tháng đóng thùng gửi rau, gà, heo, cá ra thành phố cho con. Những dịp nghỉ dài ngày, dân thành phố về quê trở ra khệ nệ ôm theo bao gạo, tải rau, và cả những cái bu nhốt gà, bao tải dứa đựng vịt.

Cơ sở duy nhất cho việc này là cái vỗ vai nhau: "hàng quê, nhà trồng (hay nhà quen mình trồng), ăn vào yên tâm không có hóa chất ".

Nào chúng ta cùng vườn-ao-chuồng hóa... cao ốc - Ảnh 1.

Một phần vì sợ thực phẩm bẩn ở thành phố mà người dân phải cố gắng gồng gánh "hàng sạch" ở quê ra. Ảnh: Định Nguyễn

Những cái bu gà vịt đó sẽ được đặt ở ngay giữa sàn xe hay tàu, trên lối đi. Chúng thò đầu ra ngắm con đường lên tỉnh và phấn khích kêu quàng quạc. Dĩ nhiên, chúng phải ị, dù ị ngay trong cái bao tải hay cái bu được che kín thì mùi vẫn xông ra sực nức.

Và người cùng chuyến xe hay chuyến tàu chẳng còn cách nào khác là bịt mũi "thông cảm".

Trong một chuyến tàu từ Bắc vào Nam, tôi gặp một bà mẹ khệ nệ thồ đến hai ba bao tải cao ngất đầy ặp, kềnh càng giữa lối đi. Chị khoe mang vô cho con gái mới sanh, ở Sài Gòn, đậu xanh, gạo, bánh tráng, và cả than củi để xông hơ. "Vì ở Sài Gòn đồ nó thuốc dữ lắm, còn đây nhà trồng không xịt thuốc" - chị khoe.

Những chuyến tàu của thời bao cấp xưa cũng gần y như vậy.

Nào chúng ta cùng vườn-ao-chuồng hóa... cao ốc - Ảnh 2.

Ảnh: Định Nguyễn

Và bất chấp đang sống trong khu dân cư đông đúc, bất chấp sân thượng nhà mình nhưng cũng là kề bên nhà người khác, toàn dân nô nức phấn khởi thực hành nông thôn hóa thành thị, vườn ao chuồng hóa cao ốc, lợn gà hóa khu dân cư.

Đi làm về thì dọn phân ủ phân trộn phân, trong giờ làm thì tranh thủ lên mạng trao đổi với Hội nông dân sân thượng học hỏi kinh nghiệm, gần hết giờ làm thì chạy trước để còn tạt chỗ nọ chỗ kia mua đất, mua giống, mua phân, mua trấu rải chuồng gà...

Bất chấp sự nguy hiểm tiềm tàng của những cái sân thượng nhà ống hay những cái ban công chung cư đột nhiên phải cõng đến hàng trăm hộp xốp chứa đầy đất và phân bón. Bất chấp mùi nước tiểu gia súc, mùi phân và ký sinh trùng phát tán khắp nơi từ những cái chuồng gà hay chuồng lợn sát bên phòng ngủ.

Tôi hiểu đây là một lựa chọn bất đắc dĩ, đầu tiên là của những bà mẹ có con còn nhỏ, họ muốn đảm bảo em bé được ăn những thực phẩm mà mình tin chắc là an toàn nhất. Điều này xúc động lắm.

Nhưng khi nó lan rộng ra thành cả một phong trào, thành những "trang trại lợn giữa trời", những gia đình mua cả xe tải đất đổ lên sân thượng làm vườn, để không phải mua gà, mua trứng, mua rau... quanh năm..., thì đó là một quái dạng của đời sống dân cư đô thị và nền kinh tế.

Không thể đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh an toàn bằng việc dành hết thời gian đáng lẽ để học hành, làm việc, tập luyện thể thao nghiên cứu, đi du lịch... để chuyên tâm chăn gà, nuôi lợn, trồng rau trên sân thượng. Bệnh tật, ung thư có nhiều đường khác mà vào, như khói xe máy, như lối sống không lành mạnh chẳng hạn, chứ không chỉ là thực phẩm "bẩn".

Cắt đứt nguồn thực phẩm "bẩn" là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng việc làm đó cũng chẳng hiệu quả gì mấy nếu toàn dân chỉ thích tự cung tự cấp mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại