Từ khi khu rừng đặc dụng Vồ Dơi trở thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), nơi đây đã xuất hiện những con người yêu rừng như hơi thở. Họ là những kỹ sư lâm sinh nhiệt huyết và trân trọng giá trị của rừng nguyên sinh đối với sự sống của con người, của trái đất, trong đó có ông Nguyễn Tấn Truyền.
Kẻ "lập dị" ở U Minh Hạ
Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, người ta vẫn thấy ông Truyền lọ mọ trong rừng già lật tìm từng ngóc ngách như thể tìm kho báu. Ai từng tiếp xúc ông Truyền cũng đều bảo rằng: Ông ấy sống "lập dị", chỉ hứng thú khi nói chuyện về muông thú và cỏ cây của đại ngàn!
Các cán bộ Vườn Quốc gia U Minh Hạ đều quả quyết rằng họ chưa từng gặp ai yêu thương muông thú, cỏ cây như kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền. Cho tới khi gặp gỡ con người của rừng già ấy, tôi phải thừa nhận người ta đã nhận xét về ông không hề quá lời.
Ông Truyền năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng mới về công tác ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ đúng 15 năm. Phần lớn tuổi thanh xuân của ông dành hết cho rừng ngập mặn ở miền cuối đất Cà Mau.
Ông Truyền bảo rằng 15 năm đến với rừng U Minh Hạ dù có chút muộn màng nhưng đây mới thật sự là quãng thời gian ông hạnh phúc với công việc mình lựa chọn. Ông được dâng hiến cả nhiệt huyết và hơi thở cho rừng.
Kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền trong một chuyến thực địa giữa rừng U Minh Hạ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Theo học ngành lâm sinh nên ra trường, ông Truyền về làm việc ở Lâm trường Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), chủ yếu là công việc bàn giấy. Ngày tháng dần trôi, ông cứ an phận mà làm việc theo nhiệm vụ được phân công.
"Có lẽ rừng ngập mặn cũng không có gì bí ẩn để kích thích sự tò mò và niềm đam mê nghiên cứu sinh học trong tôi. Một lần, tham gia lớp tập huấn về tính đa dạng sinh học của rừng, đi thực tế về rừng tràm U Minh Hạ, tôi bắt đầu đam mê và hứng thú với tính đa dạng sinh học của rừng tràm. Từ đó, tôi thân ở rừng đước mà hồn cứ gửi về rừng tràm. Cuối cùng, tôi bàn với vợ, xin chuyển công tác về Vườn Quốc gia U Minh Hạ để thỏa niềm đam mê mà mình đã bỏ quên gần nửa cuộc đời" - ông Truyền bồi hồi.
Biết là về rừng tràm, cuộc sống sẽ khó khăn, khắc nghiệt hơn nhiều so với rừng ngập mặn (vốn dồi dào sản vật) nhưng vì thấu hiểu tâm tư của chồng nên vợ ông Truyền vui vẻ đồng ý. Sự xuất hiện của người kỹ sư lâm sinh này đã mang lại cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhiều điều bất ngờ, thú vị.
Một ngày của khoảng 12 năm trước, ông Truyền làm nhiều người ngỡ ngàng bởi tình yêu muông thú lạ kỳ của mình. Cho tới bây giờ, nhiều cán bộ làm việc tại đây vẫn nhớ hoài câu chuyện cảm động của ông và chú khỉ Ti ti.
Hôm đó, trên đường đi tuần tra phòng cháy rừng, ông Truyền phát hiện một chú khỉ con lạc bầy. Ông mang khỉ về chốt của mình, mua sữa chăm nó như con mọn, rồi đặt tên là Ti ti. Ti ti lớn dần, quấn quýt ông không rời, ai nhìn cũng thích thú. Ông cũng rất quý Ti ti, coi như thành viên trong gia đình. Thế rồi đến ngày ông buộc lòng phải chia tay chú khỉ để giúp nó trở về với cuộc sống hoang dã, hòa nhập bầy đàn.
Tình yêu bất tận với muông thú của kỹ sư Truyền khiến cán bộ và người dân ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ coi ông như một kẻ lập dị dễ mến. Ai cũng quý ông và dần bị ảnh hưởng bởi tình yêu thiên nhiên của ông từ lúc nào không hay.
Quyết tìm "rắn thần"
Nhắc đến rừng U Minh Hạ, ai cũng liên tưởng ngay đến câu chuyện bí ẩn về loài rắn hổ mây khổng lồ, mà dân địa phương còn gọi là "rắn thần". Một người dành trọn tâm huyết để nghiên cứu về sinh vật ở khu rừng này như ông Truyền lại càng đặc biệt quan tâm hơn về câu chuyện đó.
Ông Tuyền cho biết mấy năm nay, ông không màng đến mạng sống để săn cho bằng được những bức ảnh, thước phim về rắn hổ mây khổng lồ này. "Đó không phải là công việc được lãnh đạo vườn quốc gia giao phó mà do chính tôi tự đặt ra cho mình. Tôi chỉ muốn công bố với thế giới rằng những con rắn khổng lồ ở U Minh Hạ là có thật chứ không phải "huyền tích" như nhiều người vẫn nghĩ" - ông quả quyết.
Đã nhiều năm nay, mỗi khi nhắm mắt ngủ là ông Truyền lại liên tưởng tới các bẫy ảnh chộp được hình rắn hổ mây khổng lồ. "Có khi 1-2 giờ sáng, không ngủ được, tôi lấy đèn pin, đi một mình vô rừng lùng sục. Tôi vẫn thường vào rừng một mình lúc nửa đêm khi chợt nghĩ về một loài động vật, thực vật nào đó. Nghĩ đến là tôi muốn đi tìm ngay, không chờ được tới sáng" - ông bộc bạch.
Chúng tôi hỏi ông Truyền "vì sao có lòng tin tuyệt đối rằng rắn hổ mây khổng lồ đang ẩn náu ở rừng U Minh Hạ?". Ông cười, bảo khi mới về công tác ở đây, ông cũng không tin. Bách khoa từ điển đến nay ghi nhận trên thế giới, loài này từng được phát hiện có chiều dài thân 7 m và nặng khoảng 30 kg.
"Nhưng dấu vết mà nhiều người nhìn thấy ở cánh rừng này hoàn toàn khác. Không biết đó có phải là hổ mây hay không nhưng chắc chắn có con to như cây cột điện đang trú ẩn đâu đó trong khu rừng này. Rắn hổ mây thường ngóc đầu lên cao di chuyển nhanh như đi mây về gió nên người ta mới gọi nó là hổ mây. Còn dấu vết chúng tôi từng thấy là bò trườn sát đất, đè nát khúc củi mục nên rất có thể không phải là rắn hổ mây mà là một loài rắn khác" - ông dè dặt.
Chính vì muốn giải mã loài rắn bí ẩn này nên ông Truyền càng hạ quyết tâm để chứng minh nó bằng hình ảnh mình chụp được. "Tôi nói thật lòng là sẵn sàng đổi mạng sống của mình để có một bức ảnh rõ nét về rắn khổng lồ này" - ông trải lòng.
Mỗi khi bước vào những cuộc thám hiểm rừng già săn ảnh rắn khổng lồ, ông Truyền vẫn hay dặn dò với vợ con và những người bạn thân của mình rằng nếu một ngày không thấy ông trở về nữa, hãy đi tìm cho được chiếc máy ảnh của ông!
Tâm nguyện của ông Nguyễn Tấn Truyền là nếu được 1 lần diện kiến rắn khổng lồ ở U Minh Hạ để có được những bức ảnh chứng minh với thế giới về loài này, ông sẽ lập tức nghỉ hưu sớm.
"Quan điểm về hạnh phúc, về giá trị của cuộc sống của mỗi người khác nhau. Với tôi, làm được một điều gì đó có ích cho xã hội, ở đây là cho khoa học, có ý nghĩa hơn nhiều so với sống mà không làm nên điều gì cả" - ông Truyền bày tỏ.