Cuối tháng 8/2022, rào chắn trên đường Lê Lợi (đoạn từ điểm giao với đường Nguyễn Huệ đến trước chợ Bến Thành) được tháo dỡ hoàn toàn sau nhiều năm thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Công nhân tháo dỡ rào chắn đoạn phía trước chợ Bến Thành vào ngày 27/8/2022. Ảnh tư liệu: Hữu Huy
Sau khi tháo dỡ rào chắn và tái lập mặt đường, phân cách và vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (hướng từ đường Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) chưa được tái lập mảng xanh.
Nắng nóng rát mặt trên phần đường Lê Lợi cùng hướng lưu thông với chợ Bến Thành (quận 1).
Ông Thanh (hộ kinh doanh trên đường Lê Lợi, quận 1) cho biết, thời tiết nắng nóng khiến du khách ngại dừng lại cửa hàng để tham quan, mua sắm, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các cửa hàng.
Người dân và du khách đi qua khu vực này phải đi dưới mái hiên hoặc di chuyển thật nhanh để tránh nắng.
Đường Lê Lợi kết nối các địa điểm tham quan, mua sắm ở trung tâm TPHCM nên thu hút rất đông du khách nước ngoài.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM vừa đề xuất UBND TP phương án làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi nhằm che mưa nắng, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng lưu thông với chợ Bến Thành.
Theo Sở QH-KT TPHCM, sau khi tái lập mặt bằng, trả lại giao thông thông thoáng cho tuyến đường Lê Lợi, yếu tố cảnh quan và các tiện ích đáp ứng cho mọi hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Sở QH-KT cho biết do không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che để vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng lưu thông với chợ Bến Thành.
Sở QH-KT TPHCM cho rằng phương án mái che sẽ đem lại hiệu quả nhất định cho tuyến đường và cả khu vực trung tâm như thay thế dãy cây xanh bị di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch đồng thời tạo điều kiện kinh doanh cho chủ các dãy nhà và cửa hàng…
Về biện pháp kỹ thuật, mái che dự kiến sẽ có kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới, kích thước mái che vươn ra 4 mét.
Vật liệu được sử dụng gồm các chất liệu đẹp, bền vững với chi phí tiết kiệm, kết hợp các loại vật tư có màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu là khoảng 20 đến 30 tỷ đồng (bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công…).
UBND quận 1 xem xét, xin ý kiến UBND TPHCM về nguồn xã hội hóa, đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan để thực hiện hoặc từ nguồn ngân sách địa phương.
Đường Lê Lợi là trục đường thương mại, dịch vụ, thường xuyên là nơi dừng chân của du khách trong, ngoài nước và là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Do đó, cơ quan chức năng TPHCM mong muốn nghiên cứu xây dựng trục đường này trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại và bền vững.