Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm Nghiên cứu Commission's Joint của châu Âu dựa trên việc phân tích 2.300 dữ liệu từ các thảm họa thời tiết từ năm 1981 đến 2010.
Cũng như dựa trên tỷ lệ khí gây hiệu ứng nhà kính, các nhà khoa học đã đưa ra một cảnh báo đáng lo sợ:
Nếu không có biện pháp cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, thì những thảm họa thời tiết có thể khiến khoảng 150.000 người ở châu Âu chết mỗi năm, tính từ năm 2071 đến 2100.
Theo đó, những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ hay sóng nhiệt là những nguyên nhân chính gây ra hệ quả nghiêm trọng này.
Thực tế, mới tuần trước thôi, phía Nam châu Âu đã hứng chịu những đợt sóng nhiệt lên tới 40 độ C ở Ý, Tây Ban Nha hay Croatia mà ở Ý, người ta còn gọi nó với cái tên khá đáng sợ "Lucifer" (tên của Chúa tể địa ngục) như để mô tả về sức nóng khủng khiếp như hỏa ngục của thần Chết vậy!
Hơn nữa, phạm vi ảnh hưởng của nó là 2/3 châu Âu và cứ 3 người châu Âu sẽ có 2 người bị tác động bởi biến đổi khí hậu), có thể xem đây là một thảm họa gần nhất đối với nhân loại khi phải đối mặt với một tương lai không lấy gì làm sáng sủa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người chết liên quan tới thời tiết ở châu Âu từ năm 1980 đến 2010 là 3.000 người mỗi năm và dự đoán sẽ mau chóng bị đẩy mạnh lên con số 152.000 người/năm (gấp hơn 50 lần) từ năm 2071 đến 2100.
Nhà khoa học Giovanni Forzieri thuộc Trung tâm nghiên cứu chung thuộc Ủy ban châu Âu ở Ý cảnh báo ngoài số người chết mỗi năm như trên thì con số bị ảnh hưởng vì các hậu quả của biến đối khí hậu thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì sẽ có khoảng 350 triệu người châu Âu bị ảnh hưởng, đó là chưa kể tới châu Á hay châu Phi... Những nước cũng đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt khiến gánh nặng xã hội trở nên gia tăng rõ rệt.
Ví dụ: Biến đổi khí hậu, thiếu nước sạch làm cho mùa màng thất bát, nợ nần chồng chất của ngươi nông dân, cuộc sống sinh hoạt khó khăn... đang là vấn đề nhức nhối khi ngày càng có nhiều ngôi làng ma (do người dân bỏ đi nơi khác kiếm ăn) hay số ca tự tử tăng vọt vì nợ nần, bế tắc!
Nhiệt độ tăng cao không chỉ làm cho nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động mà còn khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng sâu sắc. Chúng ta hẳn chưa quên đợt nóng kỉ lục ở Pháp khiến cho 15.000 người tử vong năm 2003.
Như một minh chứng rõ nét nhất về những gì mà biến đổi khí hậu nói chung và sóng nhiệt nói riêng có thể gây ra cho con người.
Không chỉ sóng nhiệt, bên cạnh đó sóng lạnh, cháy rừng, hạn hán, bão lũ cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới 28 quốc gia châu Âu và cả các nước Bắc Âu như Na Uy hay Iceland...
Gần đây nhất, đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 7 đã gây ra vụ cháy rừng ở Bồ Đào Nha khiến 60 người thiệt mạng hay vụ cháy rừng ở Ý làm 2 người thiệt mạng.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Giovanni Forzieri cho hay:
"Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất tới sức khỏe con người thế kỷ 21. Nếu sự ấm lên toàn cầu không được xem xét một cách khẩn cấp và đo lường một các thích đáng, khoảng 350 triệu người châu Âu sẽ bị các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa mỗi năm cuối thế kỷ này".
Sự tác động của biến đổi khí hậu (màu xanh da trời) tăng nhảy vọt theo các giai đoạn.
Khu vực nào của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu?
Theo nghiên cứu khoa học của Ủy ban châu Âu, sự tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ rất khác nhau trên các khu vực khác nhau ở châu Âu, trong đó sóng nhiệt và hạn hán sẽ tác động mạnh mẽ nhất ở khu vực phía Nam châu Âu.
Còn phía Bắc thì ít hơn khi cứ 3 người ở khu vực này thì có 1 người chịu mối đe dọa này.
Một số khu vực như Seville (Tây Ban Nha) hay Sardinia (Ý), nhiệt độ còn lên tới 42 đến 32 độ C. Ngoài ra, một cảnh báo khác cũng được đưa ra ở khu vực rộng lớn Nam Á (chiếm tới 20% dân số thế giới) có thể trở nên nóng "không thể chịu được" vào năm 2100.
Nhiệt độ ở một số khu vực châu Âu. Ảnh WeatherOnline.
Tiến sĩ Forzieri cho rằng: "Nghiên cứu này sẽ giúp mọi người cân nhắc những điều cấp thiết cần làm ngay nhằm kìm hãm lại sự biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó".
Nghiên cứu giúp mọi người nhận thức những gì mà chúng ta đã gây ra và những gì mà chúng ta sẽ phải làm cho thế hệ mai sau.
Mà trong đó những nỗ lực trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) năm 2015 có thể là hành động tích cực nhất cho tới thời điểm hiện nay của loài người.
Nghiên cứu được đăng trên chuyên san The Lancet Planetary Health journal.
Bài viết được dịch từ nguồn: Euronews.com, Dailymail.co.uk, Theguardian.com