Nắng đổ lửa, TP HCM xài hết 90 triệu kWh điện chỉ trong 1 ngày

Phương An |

Trong tháng 3, toàn thành phố đã "đốt" hết 2,38 tỉ kWh điện, tăng gần gấp rưỡi so với mức 1,65 tỉ kWh trong tháng 2. Dự kiến lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 cũng sẽ rất cao, đến ngày 25-4 đã lên đến 2,05 tỉ kWh.

Ngoài sản lượng tiêu thụ "khủng" nói trên, thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM còn cho thấy lượng điện tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn trong hơn 1 tháng nay luôn ở mức cao.

Trong đó, ngày cao nhất tháng 4 (24-4) đã tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, cao hơn 10% số lượng điện tiêu thụ/ngày cao nhất năm 2018. Đây cũng là con tiêu thụ kỷ lục trong vòng 10 năm nay.

Cũng theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM, ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2018, lượng điện dùng trong tháng 2 hằng năm luôn thấp hơn nhiều so với tháng 3, 4; tương ứng với hoá đơn tiền điện tháng 3,4 luôn cao hơn nhiều so với tháng 2.

Nắng đổ lửa, TP HCM xài hết 90 triệu kWh điện chỉ trong 1 ngày - Ảnh 1.

Riêng năm nay, nhu cầu dùng điện tăng vọt trong những ngày nắng nóng cộng với giá điện tăng từ tháng 3 khiến nhiều gia đình "sốc" khi hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng 2.

Nhiều người thắc mắc tại sao giá điện chỉ tăng 8,36% từ ngày 20-3 mà số tiền phải đóng "nhảy" lên gấp đôi so với tháng trước. Một số người đặt vấn đề ngành điện có tính đúng, tính đủ tiền điện hay không và mức điều chỉnh giá có thật là 8,36% hay nhiều hơn.

Trả lời thắc mắc của khách hàng, Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết hóa đơn tiền điện của người dân TP HCM tăng cao bởi nhiều nguyên nhân như: số ngày sử dụng tăng, giá điện tăng, mức tính giá điện ở các bậc thang tính khác nhau và nhiệt độ thời tiết nắng nóng kéo dài.

Nắng đổ lửa, TP HCM xài hết 90 triệu kWh điện chỉ trong 1 ngày - Ảnh 2.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM giải thích hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày, lại trùng với kỳ nghỉ Tết, nhiều gia đình về quê, đi du lịch nên số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 2 ít hơn so với tháng 3 (tháng 3 có 31 ngày).

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến nay khiến công suất sử dụng các thiết bị sinh hoạt trong gia đình tăng cao, sản lượng điện tiêu thụ vì vậy tăng theo. Lượng điện sử dụng càng nhiều, mức thang tính giá điện càng cao, tương ứng với giá điện càng cao.

Chẳng hạn, một gia đình sử dụng 200 kWh điện trong một tháng thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 3, tức 2.014 đồng/kWh và phải trả khoảng 402.000 đồng tiền điện.

Nếu mức tiêu thụ tăng lên 300 kWh thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 4, tức 2.536 đồng/kWh. Lúc này, số tiền phải trả lên tới 768.000 đồng, tức tiền điện tăng đến 91% dù sản lượng điện sử dụng chỉ tăng 50%.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM hướng dẫn khách hàng có thể dựa trên biểu giá và cách tính để tham khảo đối chiếu với tiền điện cũng như mức tiêu thụ điện năng của gia đình. Nếu có thắc mắc, cần liên hệ với Tổng đài 1900545454 để được hỗ trợ giải đáp.

Nắng đổ lửa, TP HCM xài hết 90 triệu kWh điện chỉ trong 1 ngày - Ảnh 4.

Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Tổng cộng ty Điện lực TP HCM, cho hay sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM chủ yếu trong sinh hoạt và dịch vụ, trong đó điện sinh hoạt chiếm đến 41%.

Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện đồng thời kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn vừa giúp giảm chi phí tiền điện vừa góp phần vào việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho TP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại