Nam công chức xã thiệt mạng khi cứu người tại khu du lịch chùa Hương Tích.
Giữa tháng 8, VTC News nhận được đơn của chị Đỗ Thị Quỳnh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc chị kiến nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho anh Phạm Hoàng Chương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) vì hành động cứu người trong tình huống cấp bách.
Theo nội dung đơn, dịp nghỉ lễ 30/4, chị Mai, anh Chương cùng đoàn Phật tử tại Hà Nội tham gia chuyến tham quan kết hợp việc phát tâm, thiện nguyện.
Hành trình kết thúc, chiều 3/5, trên đường đến đoạn qua đập nhà Đường (khu vực chùa Hương Tích, Hà Tĩnh), thuyền bị mắc cạn. Một số người trong đoàn xuống nước để cùng hợp sức đẩy thuyền. Sau khi thuyền được đẩy ra khỏi chỗ mắc cạn, mọi người lần lượt được kéo lên thuyền.
Anh Phạm Hoàng Chương lúc đó đã trèo được lên thuyền nhưng khi nhìn thấy 2 - 3 người bị sẩy chân chới với ở khu vực nước sâu, anh không do dự lao ngược xuống nước và bơi ra ứng cứu.
Không may, trong lúc cứu người, Chương bị nước cuốn đi. Sau mọi nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh cách nơi gặp nạn khoảng 30m vào sáng hôm sau (ngày 4/5).
Chị Mai là một trong những người được anh Chương bơi ra cứu đưa lên thuyền an toàn.
"Chương đánh đổi sự sống để tôi có cuộc đời thứ hai"
'Đến tận bây giờ và có lẽ nhiều năm sau này, tôi sẽ không thể nào quên được chuyến đi đó, chỉ vì cứu mình mà người khác đã mất đi mạng sống', chị Mai mở đầu câu chuyện với PV VTC News.
Chị Mai, anh Chương và một số người trong đoàn quen nhau từ vài năm trước khi học chung các lớp online, sau đó cùng tham gia một số hoạt động thiện nguyện.
Cuối năm 2022, sau lần đi tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn ở tỉnh Quảng Trị, mọi người quyết định tổ chức chuyến vãn cảnh chùa vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
"Vào chùa ở Bình Định là kế hoạch cứng, còn trở ra bằng ô tô là tuỳ duyên thôi, gặp chùa nào thì sẽ vào thăm, trong đó có chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng. Khi ra đến Hà Tĩnh, vào quán ăn cơm trưa, chúng tôi được giới thiệu gần đó có chùa Hương Tích cảnh rất đẹp nên mọi người cũng tranh thủ ghé thăm", chị Mai thuật lại.
Theo lời chị Mai, khoảng 14h ngày 3/5, đoàn có mặt tại cổng chùa Hương Tích và lựa chọn cáp treo để vãn cảnh. Lúc lên thì cáp treo nhưng khi về một số người muốn đi thuyền nên đoàn chọn phương tiện này.
"Khi đó khoảng hơn 16h chiều, mà 16h30 bến thuyền đóng nên chúng tôi đi với trạng thái rất gấp, không nghĩ ngợi gì. Khi lên thuyền chỉ thấy vài chiếc áo phao và lái thuyền cũng không nhắc chuyện mặc áo phao gì cả", chị Mai kể.
Thuyền rời bến, đến giữa sông thì mắc cạn vào một cồn đất. Khi đó lái thuyền xuống đẩy nhưng không được và báo lại rằng thuyền mắc cạn, nhờ một số người xuống đẩy giúp.
Chị Mai cho hay, vì mọi người muốn đến bến nhanh để trở ra Hà Nội ngày mai còn đi làm nên khoảng 5 - 6 người nhảy xuống đẩy thuyền. Những người nhảy xuống đều biết bơi, trong đó có chị Mai và anh Chương.
"Lúc xuống thì nước chỉ đến đầu gối thôi. Hô hoán nhau đẩy, tay vừa đẩy thì lái thuyền rồ ga, thuyền trôi đi mấy mét, tay tôi đang theo đà đẩy bị chúi xuống. Trong trí nhớ của tôi trong vòng 3 giây, tự nhiên cảm thấy chân không tới đất. Sau đó, mình cố thở cho đến khi ngất đi không biết gì", chị Mai nhớ lại.
Sau này, theo lời người kể lại, những người đẩy thuyền bị hút vào xoáy nước, anh Chương đứng gần thuyền bám vào và đã leo lên được. Tuy nhiên, khi thấy một số người đang chới với dưới nước, anh không ngần ngại bơi ra ứng cứu và mất tích.
Thời điểm đó, Chương bơi ngửa, tiếp cận chị Mai và những người bị đuối nước, kéo họ ra khỏi vùng nước xoáy, cố đẩy họ gần thuyền để người trên thuyền kéo lên.
"Mọi người kể rằng hơn chục phút sau mới kéo được tôi và các bạn bị đuối nước lên thuyền. Ai cũng hoảng loạn vì tôi gần như rơi vào trạng thái chết đuối, tập trung sơ cứu nên không để ý Chương thế nào. Sau đó, tôi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu. Khi tỉnh lại có nghe tin Chương mất tích và sau đó đã mất…", chị Mai nghẹn ngào.
Việc mất đi người bạn, người em thân thiết khiến ai trong đoàn cũng hụt hẫng, đau lòng, nhưng điều làm chị Mai và mọi người buồn hơn cả là một số tờ báo đưa tin không đúng về vụ tai nạn.
Chị Mai cho biết, báo dẫn lời đại diện chính quyền địa phương nói đoàn khách vì nô đùa dưới cồn cát, bất chấp nguy hiểm nên mới gặp nạn, chứ không hề nhắc chuyện mọi người xuống đẩy giúp thuyền khỏi mắc cạn.
Nhiều ngày sau đó, chị Mai bị khủng hoảng tâm lý, không dám lên mạng xã hội vì sợ đọc được những lời công kích, thông tin sai sự thật.
Anh Phạm Hoàng Chương sau khi đẩy thuyền khỏi mắc cạn đã leo lên thuyền (ảnh trái), nhưng sau đó nhảy xuống ứng cứu những người đuối nước (ảnh phải). (Ảnh cắt từ video).
"Tội nhất là bố mẹ Chương, từ những thông tin không đúng đó, mũi rìu dư luận lại chĩa vào người con đã mất của họ. Nhưng may thay, khoảng vài tuần sau vụ tai nạn, một thành viên trong đoàn lục lại điện thoại và có đoạn video ghi lại thời điểm gặp nạn.
Video thể hiện rõ việc Chương đẩy thuyền xong đã leo lên, mọi người hô hào "Cái Mai, cái Na còn ở dưới kìa", cậu ấy mới nhảy xuống cứu. Và nếu không có video đó thì liệu ai giải được nỗi oan này cho Chương đây", chị Mai bức xúc.
Cũng theo chị Mai, sau khi được cung cấp đoạn video, gia đình anh Phạm Hoàng Chương đã liên hệ với cơ quan chức năng và một số tờ báo để gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Sau vụ tai nạn, chị Mai bị viêm phổi nặng phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện 108, đến khi làm lễ 49 ngày cho anh Chương thì chị mới có dịp lên Phú Thọ.
"Đứa bé gần 2 tuổi chưa hiểu chuyện nhìn ảnh bố trên ban thờ gọi "bố ơi" khiến tôi vô cùng đau xót. Chương hy sinh cả mạng sống, để lại cả gia đình để cho tôi cuộc đời thứ hai.
Tôi và những thành viên trong đoàn nghĩ điều đó cần được vinh danh, vì thế chúng tôi gửi đơn đến Trung ương Đoàn và cơ quan báo chí để lan toả câu chuyện này… Người mất không thể tìm lại nhưng chúng tôi tha thiết người ở lại có được sự ghi nhận", chị Mai nói thêm.
Là người chứng kiến toàn bộ sự việc và quay đoạn video anh Phạm Hoàng Chương bơi ra cứu người trước khi mất tích, anh Mai Thế Tùng (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trong những chuyến đi của đoàn anh thường được giao nhiệm vụ quay chụp các hoạt động của các thành viên.
"Thời điểm đó khi mọi người xuống đẩy thuyền thì mình cũng quay. Quan sát thì thấy nước chỉ đứng đến đầu gối, mình nghĩ là an toàn, không có vấn đề gì", anh Tùng nhớ lại.
Khi thuyền thoát khỏi điểm mắc cạn, vài người bám được mạn thuyền, cồn cát có dấu hiệu sụt lún. "Mình vừa quay vừa hô lên "Cứu hai đứa kia, nó đuối nước rồi" (chị Đỗ Thị Quỳnh Mai và một người khác - PV). Lúc này Chương nhảy xuống bơi ra", anh Tùng bảo mọi người như bị hút với nhau vào cồn cát.
Sau khi đưa được những người đuối nước lên bờ, anh Tùng là người trực tiếp hô hấp nhân tạo. Khi mọi chuyện đã ổn định thì anh mới giật mình vì không thấy anh Chương đâu.
"Trấn tĩnh lại mình quan sát thì thiếu mất Chương, mình hét lên "Chương đâu".
Ai cũng dáo dác tìm kiếm nhưng không thấy. Sau đó, anh Tùng báo cho chính quyền, cùng với các lực lượng chức năng về vụ việc. Rạng sáng hôm sau, cơ quan chức năng mới thấy được Chương.
Đau xót không được nhìn mặt con lần cuối
Trong gian phòng thờ nồng mùi khói hương, bà Nguyễn Thị Bích Lan (trú tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) thắp nén hương trước di ảnh của cậu con trai, rồi ngồi sụp xuống nức nở: "Đến cả trong giấc mơ mẹ cũng không dám nghĩ đến một ngày mẹ phải thắp hương cho con trai của mình. Xót xa quá con ơi!…".
Tiếng "Nam Mô A Di Đà Phật" từ chiếc máy tụng kinh không thể làm nguôi sự ai oán trong tiếng khóc của người mẹ.
Bà Lan cho biết, bà có 2 người con, dưới Chương còn em gái vừa tốt nghiệp đại học. Sinh ra trong gia đình có truyền thống công tác trong ngành giáo dục, ngay từ nhỏ Chương được bố mẹ rèn giũa tính tự lập.
"Vợ chồng tôi dành mọi tình yêu thương, điều kiện tốt nhất để nuôi dạy các con. Sau khi tốt nghiệp đại học, khi có đợt thi tuyển công chức, Chương đỗ và công tác tại UBND thị trấn Thanh Thủy từ năm 2016 chuyên mảng địa chính, xây dựng đô thị và môi trường", bà Lan kể.
Sau một thời gian, Chương được kết nạp Đảng. Anh cũng đăng ký chương trình vừa học, vừa làm và đã lấy bằng Thạc sỹ Quản lý kinh tế.
Năm 2022, đến đợt luân chuyển công tác giữa các đơn vị hành chính, anh về làm việc tại xã Thạch Đồng (huyện Thanh Thủy).
Theo lời bà Lan, Chương là người hoà nhã, luôn hướng thiện, thích làm những việc tốt, nếu có cơ hội sẽ lui tới các nhà chùa làm công quả.
"Chương lấy vợ hồi năm kia, sinh được một cháu gái, đến nay hơn 20 tháng tuổi. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi, vợ chồng tôi nghĩ như vậy là viên mãn. Nhưng đâu ngờ con lại rời bỏ cuộc sống, rời bỏ bố mẹ, rời bỏ vợ con khi đi làm công quả. Cháu ra đi khi đứa con gái chỉ mới bập bẹ tiếng bố ơi", bà Lan khóc nghẹn.
Ông Phạm Quốc Cường - chồng bà Lan, ngồi cạnh gạt vội giọt nước mắt vừa trào khỏi khoé mắt. Việc mất đi người con trai duy nhất là nỗi đau quá lớn đối với người đàn ông ngoài 50 tuổi.
Suốt cuộc gặp với PV, ông rất kiệm lời, đôi lúc ông chỉ nắm chặt tay an ủi để vợ tiếp tục câu chuyện.
Trấn tĩnh lại, bà Lan kể tiếp, lịch trình đi làm công quả tại một ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Bình Định kết hợp vãn cảnh được anh Chương và nhóm Phật tử lên kế hoạch từ đầu năm. Tối 28/4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, sau khi hoàn tất công việc, anh bắt xe xuống Hà Nội, cùng mọi người bay vào Bình Định.
"Sau khi ở chùa vài hôm thì đoàn thuê xe đi ngược ra Bắc vãn cảnh. Chương bảo chiều tối 3/5 sẽ về, nhưng 17h chiều 3/5 cháu nhắn tin bảo không về kịp, chắc sáng sớm mai mới về đến nhà", bà Lan nói.
22h ngày 3/5, khi chuẩn bị đi ngủ, bà Lan nhận được cuộc gọi từ Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) báo tin anh Chương bị nạn ở hồ đập nhà Đường.
"Lúc đó gia đình hoảng loạn lắm, cũng chỉ nghĩ con bị tai nạn cấp cứu. Gia đình sắp xếp đoàn vào ngay Hà Tĩnh gồm chồng tôi, vợ Chương và một số anh em họ hàng", bà Lan cho hay.
Bà Lan tin rằng con trai mình chỉ gặp tai nạn đơn thuần bởi gia đình sống cạnh sông Đà, Chương quá quen với sông nước, thành thạo bơi lội từ khi lên 8 nên điều bất trắc khó có thể xảy ra.
Nhưng niềm tin của người mẹ hoàn toàn vỡ vụn khi chiếc xe chở theo quan tài của cậu con trai đỗ trước cổng vào chiều muộn 4/5.
"Tôi mắc bệnh về tim mạch nên thông tin mọi người đều giấu. Chỉ đến khi cháu gần về đến nhà tôi mới biết và bất tỉnh ngay lúc đó.
Theo tục lệ địa phương, chết ngoài đường thì không được làm tang ở nhà nên chỉ cho Chương về qua cổng một lúc rồi mang ra đồng luôn. Giá như khi đó đủ mạnh mẽ thì tôi đã được nhìn mặt con lần cuối. Có lẽ đây là nỗi ân hận sẽ theo tôi đến cuối đời", người mẹ bật khóc.
Thời gian sau đó là chuỗi ngày sống trong khổ đau, suy sụp của bà Lan và gia đình.
Bà Lan cho hay, sau ngày anh Chương mất khoảng 1 tháng, được người thân cho xem lại những hình ảnh cuối cùng ghi lại trên thuyền, bà mới biết con trai chết khi nỗ lực cứu những người gặp nạn.
"Dù đau buồn nhưng tôi tự hào, con đã sống một cuộc đời tuy ngắn nhưng thật đẹp, luôn hướng thiện và làm những điều thật sự tốt đẹp", bà Lan bộc bạch.
Là người phụ trách hướng dẫn, chỉ việc cho anh Phạm Hoàng Chương ngay từ khi bắt đầu nhận công tác tại thị trấn Thanh Thuỷ, ông Chu Sỹ Hải - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, anh Chương thuộc lớp cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo và rèn luyện bài bản.
"Chương là người ham học hỏi, trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng năm được công nhận là Lao động tiên tiến", ông Hải nhận xét.
Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Thuỷ cho rằng, chính sự bản lĩnh được rèn luyện trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến đất đai - một vấn đề rất nhạy cảm, đã thúc đẩy Chương không màng hiểm nguy, xả thân cứu người.
Trả lời PV VTC News, anh Nguyễn Anh Tú - Bí thư Huyện đoàn Thanh Thuỷ (Phú Thọ) cho biết, sau khi nhận được đơn đề nghị của chị Đỗ Thị Quỳnh Mai cùng một số người khác về hành động cứu người gặp nạn của anh Phạm Hoàng Chương, Trung ương Đoàn đã yêu cầu Tỉnh đoàn Phú Thọ xác minh sự việc.
"Được sự phân công của Tỉnh đoàn, chúng tôi xác minh thông tin từ chính quyền địa phương, gia đình, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Huyện đoàn đã có báo cáo gửi về Tỉnh đoàn", anh Nguyễn Anh Tú nói.
Bí thư Huyện đoàn Thanh Thủy (Phú Thọ) thông tin, sau khi Tỉnh đoàn Phú Thọ xem xét báo cáo, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định sẽ có đề xuất lên Trung ương Đoàn về việc khen thưởng đối với anh Phạm Hoàng Chương.