Người dân Somalia dời khỏi các khu vực bị hạn hán tới khu trại tạm ở ngoại ô Mogadishu, Somalia, ngày 30/6/2022. (Ảnh: AP)
Phân tích "Đói trong một thế giới đang nóng lên" cho thấy, nạn đói cấp tính đã tăng 123% trong vòng 6 năm ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các quốc gia gồm Somalia, Haiti, Djibouti, Kenya, Niger, Afghanistan, Guatemala, Madagascar, Burkina Faso và Zimbabwe đã liên tục bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt trong hai thập kỷ qua.
Ước tính có khoảng 48 triệu người trên khắp các quốc gia này bị đói cấp tính, được định nghĩa là đói do một cú sốc gây rủi ro cho cuộc sống và sinh kế dựa trên các báo cáo do Chương trình Lương thực Thế giới tổng hợp. Con số này tăng từ 21 triệu người vào năm 2016, 18 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói.
Báo cáo thừa nhận sự phức tạp xung quanh nguyên nhân của nạn đói toàn cầu, trong đó xung đột và gián đoạn kinh tế, bao gồm cả ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, vẫn là những lý do chính.
"Thời tiết khắc nghiệt và ngày càng tồi tệ này đang ngày càng làm mất đi khả năng của những người nghèo, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp trong việc ngăn chặn nạn đói và đối phó với cú sốc tiếp theo", theo báo cáo.
Somalia đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận, buộc một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Biến đổi khí hậu đã gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội hơn và những thảm họa thời tiết khắc nghiệt khác bao gồm lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích của Pakistan, cuốn trôi cây trồng và lớp đất mặt và phá hủy cơ sở hạ tầng canh tác.
Tại Guatemala, điều kiện thời tiết tồi tệ đã góp phần làm giảm gần 80% sản lượng ngô, cũng như gây ra "cuộc khủng hoảng cà phê" trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến các cộng đồng dễ bị tổn thương và buộc nhiều người phải di cư đến Mỹ.
Xung đột bạo lực và những tác động của biến đổi khí hậu đều góp phần làm gia tăng nạn đói. (Ảnh: Deutsche Welle)
Oxfam nhấn mạnh rằng nạn đói do khí hậu gây ra là một "minh chứng rõ ràng cho sự bất bình đẳng toàn cầu", với các quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu lại phải hứng chịu tác động của nó nhiều nhất. Các quốc gia công nghiệp phát triển gây ô nhiễm như G20 chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải carbon của thế giới, trong khi 10 điểm nóng về khí hậu nói trên chỉ góp phần 0,13%.
Bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành Oxfam International, cho biết: “Các nhà lãnh đạo đặc biệt là các nước giàu ô nhiễm phải thực hiện lời hứa cắt giảm khí thải của họ.
Họ phải trả tiền cho các biện pháp thích ứng và những tổn thất, thiệt hại ở các nước thu nhập thấp, cũng như ngay lập tức đóng góp vào quỹ cứu sinh theo lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất".
Lời kêu gọi viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho năm 2022 lên tới 49 tỷ USD. Và Oxfam lưu ý, con số này tương đương với lợi nhuận chưa đến 18 ngày của các công ty nhiên liệu hóa thạch khi xem xét lợi nhuận trung bình hàng ngày trong 50 năm qua.
Bà Bucher nói rằng việc xóa nợ cũng có thể giúp các chính phủ giải phóng nguồn lực, trong đó những nước giàu có trách nhiệm bồi thường cho các nước nghèo hơn, bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Đây là một nghĩa vụ đạo đức, không phải hoạt động từ thiện", theo bà Bucher.