Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á này đã ‘vớt’ nhiều triệu phú Trung Quốc khỏi 'cơn sóng thần kinh tế' tại quê nhà

Thùy Trang |

Trước nhiều khó khăn kinh tế vì đại dịch, nhiều chuyên gia, triệu phú, chủ doanh nghiệp thậm chí là sinh viên Trung Quốc đã chọn quốc gia Đông Nam Á này làm nơi “lạc nghiệp" mới trong năm 2022.

7 năm qua, trên mạng xã hội cá nhân của Kristine Zhang luôn có dòng trạng thái “chia tay để đoàn tụ”. Đây chính là điểm tựa tinh thần giúp cô vượt qua những tháng ngày xa cách chồng.

Kể từ năm 2015, Zhang đều dành vài tháng mỗi năm để sang Singapore với con trai đang du học của mình. Trong khi đó, chồng cô là người điều hành một công ty nước ngoài và quản lý một hệ thống sơn xe ô tô tại Quảng Đông, Trung Quốc.

Anh rất tin tưởng vào thị trường của quốc gia này. Nhưng gần đây anh đã thay đổi quyết định. Zhang nói: “Chúng tôi sẽ sớm đoàn tụ, nhưng không giống như lúc đầu. Bây giờ, Singapore sẽ không còn là quốc gia ở tạm cho con trai chúng tôi nữa mà là ngôi nhà vĩnh viễn mà gia đình tôi sắp chuyển đến”.

 Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á này đã ‘vớt’ nhiều triệu phú Trung Quốc khỏi cơn sóng thần kinh tế tại quê nhà  - Ảnh 1.

Singapore là điểm đến lý tưởng. Ảnh: scmp

Theo nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà tư vấn, nhà đầu tư và người nhập cư, gia đình này là một phần của làn sóng du nhập và đầu tư mới của Trung Quốc vào Singapore. Quốc gia này đang là thỏi nam châm thu hút nhiều chuyên gia cũng như các “đại gia” khi Trung Quốc gặp nhiều vấn đề về kinh tế.

Thị trường nội địa trì trệ, tài sản mất giá, đồng nhân dân tệ suy yếu và Covid-19 đã và đang “ăn mòn” tài sản của nhiều gia đình như Zhang.

Gia đình của cô có dự định sẽ bán ba bất động sản ở Trung Quốc trong năm tới với tổng giá trị lên tới khoảng 15 triệu nhân dân tệ (hơn 49 tỷ đồng). Sau đó sẽ chuyển tới Singapore và bắt đầu kinh doanh. Họ hy vọng cả gia đình sẽ trở thành công dân của quốc gia này.

Singapore đem đến nhiều yếu tố hấp dẫn cho người nhập cư từ đại lục. Người Hoa tại Singapore là nhóm dân tộc lớn nhất và tiếng phổ thông của Trung Quốc đại lục được sử dụng rộng rãi. Quãng đường từ Trung Quốc đến Singapore cũng ngắn và có chi phí đi lại khá rẻ. Thủ đô Singapore có mối quan hệ mật thiết và chặt chẽ với Bắc Kinh, đồng thời ở vị trí trung lập khi Trung Quốc và Mỹ căng thẳng.

Theo báo cáo Công dân Toàn cầu Henley được công bố vào tháng 6, Singapore lọt top 5 điểm đến hàng đầu cho những người giàu có muốn di cư. Danh sách cũng bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Úc, Israel và Thụy Sĩ.

Ở châu Á, Singapore đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các triệu phú. Khoảng 2.800 cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn được dự kiến sẽ đến trong năm nay. Con số tăng 87% so với năm 2019, theo báo cáo.

 Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á này đã ‘vớt’ nhiều triệu phú Trung Quốc khỏi cơn sóng thần kinh tế tại quê nhà  - Ảnh 2.

Giới nhà giàu Trung Quốc coi Singapore là nơi trú ẩn an toàn cho khối tài sản chính của họ cũng như mang lại môi trường kinh doanh thân thiện.

Gần 3/4 trong tổng 4 triệu công dân và người thường trú tại Singapore là người gốc Hoa. Trong khi chỉ khoảng 13,5% có nguồn gốc Mã Lai và 9% là người gốc Ấn Độ. Zhang nói: “Chúng tôi thích xã hội đa văn hóa của Singapore và nó cũng thân thiện với người Trung Quốc”.

Khoảng 67% người Singapore có thiện cảm với Trung Quốc. Và 90% người dân cho rằng đất nước họ có quan hệ tốt với quốc gia này, theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 6.

Nhưng sự “quan tâm” tới Singapore tăng cao có thể dự báo một tin xấu tới nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Sự di cư của người giàu đã bắt đầu gây ra những hậu quả nghiêm trọng. 10.000 “đại gia” Trung Quốc đã thu dọn đồ đạc và rời khỏi đại lục trong năm nay và 3.000 người rời khỏi Hồng Kông (Trung Quốc), theo ước tính của Henley & Partners.

Joylin Su, giám đốc điều hành một công ty quản lý tài sản cho các gia đình giàu có cho biết những người Trung Quốc nhập cư đến Singapore được chú ý nhất là những doanh nhân giàu có, những người đang thành lập văn phòng gia đình trong thành phố.

Hơn 700 văn phòng gia đình đã được thành lập tại Singapore vào năm 2021 và con số này chỉ là 50 vào năm 2018, theo Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).

 Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á này đã ‘vớt’ nhiều triệu phú Trung Quốc khỏi cơn sóng thần kinh tế tại quê nhà  - Ảnh 3.

Văn phòng gia đình thường là mô hình hoạt động như công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao trong các gia đình và doanh nghiệp gia đình, nhằm hỗ trợ phát triển và chuyển giao tài sản qua nhiều thế hệ một cách hiệu quả.

MAS đã phê duyệt hơn 100 đơn xin thành lập văn phòng một gia đình trong bốn tháng đầu năm. Theo MAS, tài sản thuộc quyền quản lý tại Singapore đã tăng từ 4,7 nghìn tỷ SGD lên 5,4 nghìn tỷ SGD trong năm nay.

Có nhiều hơn 600 đơn đăng ký đang chờ phê duyệt với mỗi quỹ trị giá ít nhất 20 triệu SGD. Hơn một nửa trong số này đến từ các gia đình triệu phú ở Trung Quốc, bao gồm cả những người đã tích trữ tài sản của họ ở Hồng Kông (Trung Quốc) trong vài năm qua, Su nói. “Trước đây tại Singapore, chỉ mất khoảng 4 tháng nhưng hiện tại phải mất tới 18 tháng để thành lập văn phòng gia đình”.

Singapore biết cân bằng giữa phương Đông và phương Tây. Điều này khiến quốc gia này nổi bật trong danh sách các điểm đến lý tưởng cho các gia đình giàu có từ đại lục chuyển đến. Đặc biệt, hệ thống thuế quốc gia cũng rất rõ ràng, tạo điều kiện an toàn khi quản lý tài sản. Tuy nhiên, sự gia tăng của những người nhập cư giàu có và tài năng này có thể làm dấy lên các cuộc thảo luận trong nước về việc đánh thuế, bao gồm cả tài sản hoặc tài sản thừa kế, Su nói. Đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt đang tăng cao.

Nhiều nhà đầu tư thông minh đã nhanh chóng khai thác nhiều cơ hội kinh doanh đa dạng để “phục vụ” giới thượng lưu mới đến. Một số lượng lớn các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc trong các công ty quản lý quỹ ở Trung Quốc cũng đang chuyển đến Singapore.

Các dịch vụ chuyển tiền tư nhân ở Singapore, như Zhongguo Remittance, đang đưa ra tỷ giá hối đoái tốt hơn so với tỷ giá chính thức của ngân hàng. Điều này cho thấy nhu cầu nội tệ mạnh mẽ của những người Trung Quốc mới đến. Các “VIP club” phục vụ đại gia Trung Quốc cũng đang mọc lên như nấm trên khắp Singapore - nơi đã có rất nhiều quán bar sang trọng với dịch vụ phụ phí hàng đầu.

Một quán bar mới thành lập đã yêu cầu mỗi vị khách trả 50.000 SGD (hơn 871 triệu đồng) cho các loại rượu đắt tiền và xì gà như một loại phí vào cửa. Ngay ngày khai mạc, 50 chỗ ngồi đã bán hết. “Người dân địa phương ở Singapore uống rượu whisky và rượu vang, nhưng nhu cầu về rượu Mao Đài trong các câu lạc bộ và nhà hàng cao cấp đã tăng mạnh để làm dịu nỗi nhớ của giới thượng lưu Trung Quốc”, Su nói.

Theo số liệu chính thức, tổng dân số của Singapore, bao gồm cả người nhập cư, đã tăng 3,4% so với năm ngoái và đạt 5,64 triệu người vào năm 2022. Số lượng công dân Singapore tăng 1,6% lên 3,55 triệu. Số người nhập cư gồm cả công nhân và sinh viên, tăng 6,6% lên 1,56 triệu, theo Cục Thống kê.

Vị thế của Singapore giờ đây như một trung tâm công nghệ quốc tế, đặc biệt là đối với thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Từ lâu quốc gia này đã hấp dẫn nhiều người trong ngành công nghệ thông tin và công nghệ tài chính.

Mei Lingchuan, một chuyên gia công nghệ thông tin có kinh nghiệm ở California, hiện đang học MBA tại Singapore, cho biết hầu hết sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Singapore đều muốn ở lại. Họ đều bị thu hút bởi môi trường chính trị ổn định, mức lương cạnh tranh và thuế thu nhập hợp lý tại đây. Thậm chí, nhiều cựu sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp những năm trước bây giờ lại muốn quay về đây làm việc và sinh sống.

Theo Bộ Nhân lực Singapore, bắt đầu từ tháng 9 năm tới, quốc gia này sẽ cung cấp visa lao động mới có thời hạn 5 năm. Loại visa này dành cho nhân tài trong mọi lĩnh vực có thu nhập cao hoặc những người có "thành tựu mang tính đột phá" trong khoa học-công nghệ, văn hóa-nghệ thuật, nghiên cứu-hàn lâm hoặc thể thao.

 Năm vừa qua quốc gia Đông Nam Á này đã ‘vớt’ nhiều triệu phú Trung Quốc khỏi cơn sóng thần kinh tế tại quê nhà  - Ảnh 4.

Allen Wang, đối tác của một công ty tư vấn du học ở Thượng Hải, cho biết các yêu cầu du học ở Singapore đã tăng mạnh kể từ mùa xuân sau hai tháng Thượng Hải bị phong tỏa.

Gao Zhendong, một nhà đầu tư bất động sản và chứng khoán Đông Nam Á có trụ sở tại Bắc Kinh cũng nói rằng mặc dù Singapore là điểm đến hấp dẫn nhưng người di cư Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khi họ đến. Ông nói: “Tình trạng lạm phát gia tăng, Mỹ tăng lãi suất, khiến thanh khoản của nhiều nhà đầu tư toàn cầu bị rút sạch. Singapore và thị trường Đông Nam Á khác cũng không ngoại lệ”.

Ngoài ra, nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục xấu đi dẫn đến căng thẳng địa chính trị trong khu vực thì Singapore cũng sẽ khó xoay chuyển dù theo bất kỳ cách nào.

Tham khảo: SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại