Năm tháng cuối đời của vua Duy Tân qua lời kể vị hoàng tử út (Kỳ 2)

Hoàng Anh Sướng |

Những năm tháng giông bão và niềm hạnh phúc bình dị cuối đời của hoàng tử út của vua Duy Tân, ông Vĩnh San Joseph.

* Quý độc giả có thể đọc lại kỳ 1 TẠI ĐÂY.

Trở lại cái chết thảm khốc của cha tôi trong vụ tai nạn máy bay đầy bí ẩn ngày 26-12-1945 trên bầu trời tỉnh Lobaye, thuộc Trung Phi mà nhiều người nghi ngờ cha tôi bị ám sát. Trước đó, hay tin cha tôi lên máy bay trở về đảo La Réunion để đón Giáng sinh và năm mới cùng gia đình, cả nhà tôi náo nức đến mức suốt đêm không ngủ. Mấy anh chị em chúng tôi nóng lòng gặp cha để đón nhận quà giáng sinh. 

Noel năm ấy, mẹ tôi trang hoàng cây thông thật đẹp. Căn nhà sáng trưng bởi nến và những bóng đèn màu. Đêm Noel, cả nhà quây quần chờ cha về nhưng chờ mãi không thấy. Mẹ ra ngó vào trông. Bọn trẻ chúng tôi cũng nhấp nhổm không yên. Hết chạy vào nhà nhìn đồng hồ lại chạy ra đường ngóng cha. Mãi mấy ngày sau, chúng tôi mới nhận được hung tin, máy bay của cha bị nạn và cháy ở Trung Phi. Mẹ tôi khóc ngất lên ngất xuống. Mấy anh em chúng tôi thì ôm chặt lấy nhau gào khóc đến khản giọng. Năm ấy, tôi mới tròn 7 tuổi. Đó là cái Tết Noel sầu thảm nhất trong đời.

Cái chết đột ngột của cha tôi khiến cả gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Bởi từ trước đến nay, cha tôi là người kiếm tiền nuôi cả nhà. Mẹ chỉ lo việc cơm nước, giặt rũ, lau nhà, chăm sóc các con. Nay cha mất chẳng khác chi trụ cột ngôi nhà sụp đổ, cả nhà điêu đứng, tan hoang. 

Tôi vẫn nhớ mẹ tôi lúc đó chỉ nhận được khoản trợ cấp 200 phờ-răng. Số tiền này so với thời giá lúc đó quá ít ỏi, chỉ đủ nuôi sống cả nhà được vài ngày. Vì thế, mẹ tôi vuốt nước mắt, tạ tội với linh hồn cha, bắt cả bốn anh chị em chúng tôi phải nghỉ học. Chị Suzi và anh Claude phải đi làm. Anh Goerhes Vĩnh San đăng lính. Riêng tôi, dù còn nhỏ cũng phải cùng mẹ lao động cực nhọc. Làm việc quần quật suốt ngày đêm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái đói vẫn bám riết lấy chúng tôi. Vì thế, năm 1955, mẹ đánh liều, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đưa cả nhà qua Madagascar sinh sống. Mười năm sau, gia đình tôi lại làm một cuộc di cư đến nước Pháp và cùng định cư cho đến ngày nay.

Năm tháng cuối đời của vua Duy Tân qua lời kể vị hoàng tử út (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Phần mộ vua Duy Tân ở Huế (Tuổi Trẻ)

Lúc ở Madagascar, tôi làm nghề rải đường. Thu nhập ổn định nhưng công việc vô cùng cực nhọc. Được cái sức trai trẻ nên tôi làm miết ngày đêm. Tiền kiếm được bao nhiêu, tôi mang về đưa hết cho mẹ. Vì thế, sinh hoạt gia đình cũng khấm khá hơn. Đến khi chuyển về Pháp, tôi xin làm chân lái xe vận tải trong sân bay Charles-de-Gaulle ở Paris. Thu nhập khá cao, túi tiền rủng rỉnh, lại sống một mình nên tôi bắt đầu tìm đến những chỗ ăn chơi. Gần 30 tuổi đời, tôi mới biết đến quầy bar, vũ trường. Tôi giao du rộng, tính tình xởi lởi nên rất đông bạn bè. Ai cũng quý mến tôi, thích đi chơi với tôi.

Chơi bời được vài năm cũng thấy chán. Ở một mình nhiều lúc cũng thấy trống trải, cô đơn. Năm 1970, 32 tuổi, tôi cưới vợ. Vợ tôi là tiến sĩ hóa, công tác ở Trung tâm hạt nhân nguyên tử Pháp. Cô ấy khá xinh đẹp, thông minh nhưng mắc bệnh trầm cảm, rất dễ bị kích động, nổi nóng. Cứ chớm phật ý một tý là cô ấy nổi xung, quát mắng, gào thét, đập phá. Nhiều lần, nhà tôi ngổn ngang như chiến trường sau mỗi lần nổi xung khủng khiếp. Chịu đựng hết nổi, tôi quyết định ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân địa ngục kéo dài suốt 10 năm. 

Ngẫm lại, tôi thấy, đời mình thật lạ. Cứ sau mỗi chu kỳ 10 năm lại có một bước ngoặt lớn trong đời. Ví như 10 năm sau ngày cha tôi mất, mẹ tôi quyết định rời bỏ quê cha đất tổ La Réunion đến xứ lạ Madagascar mưu sinh những mong thoát cảnh đói nghèo. Ở đó, bán mặt cho đất bán lưng cho trời đúng 10 năm, mẹ tôi và tôi lại quyết định làm cuộc di cư đến Kinh đô ánh sáng tìm vận may. Và rồi, ở chính thủ đô Paris tráng lệ, hào hoa, cuộc hôn nhân kinh hoàng của tôi kéo dài đúng 10 năm thì kết thúc. Tôi chợt nhớ đến ngày sinh đầy giông gió, bão giật, mưa giông, sấm chớp đùng đoàng, biển động dữ dội của mình, nhớ đến lời tiên tri của vua cha Duy Tân: "Số thằng này sau này vất vả, gian truân lắm đây" mà lòng đầy lo âu nặng trĩu. Biết đến bao giờ đời mình mới hết vất vả, gian truân?

10 năm sống trong căng thẳng, sợ hãi và đau khổ nhưng cuộc chia tay lại diễn ra vô cùng nhẹ nhàng, chóng vánh. Tài sản chúng tôi chia đôi. Thời gian, vật lực chăm sóc hai cậu con trai, chúng tôi cũng chia đôi. Cô ấy chăm sóc, đón đưa hai đứa những ngày đầu tuần. Tôi chịu trách nhiệm chăm sóc hai đứa những ngày cuối tuần. 

Và chính những lần đến đón đưa hai cháu ở nhà cô bảo mẫu, tôi đã để ý và phải lòng cô ấy lúc nào không hay. Cô ấy tên là Lebreton Marguerite, kém tôi 3 tuổi, cũng từng đổ vỡ hôn nhân, có 3 con riêng, hai gái, một trai. Cô ấy là người giản dị, hiền lành, phúc hậu, giàu tình thương. Hai đứa con tôi, khi đó, một đứa mới 7 tuổi, một đứa 4 tuổi, được cô ấy chăm sóc, thương yêu như con đẻ. Đã từng đi qua những đổ vỡ nên chúng tôi đến với nhau một cách thận trọng. Sau mấy năm tìm hiểu kỹ lưỡng, thấy rằng đã hiểu sâu sắc về nhau, chúng tôi mới đến tòa thị chính đăng ký kết hôn. Cô ấy là người Pháp nhưng vì hiểu tôi, thương tôi nên đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về lịch sử Việt, văn hóa Việt. Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi qua. Càng sống, chúng tôi càng hiểu nhau, thương nhau. Hạnh phúc vì thế càng thêm vững bền.

Có điều, tuy sinh ra và lớn lên tại La Réunion, đến làm việc tại Madagascar suốt 10 năm, rồi chuyển sang làm việc ở Pháp cho đến tận lúc nghỉ hưu nhưng trong trái tim tôi, đất nước Việt Nam, quê nhà Việt Nam luôn là 2 tiếng thiêng liêng. Bởi nửa dòng máu Việt vẫn đang chảy trong tôi và tâm hồn Việt vẫn hiển hiện trong tôi, bắt đầu từ những thói quen đời thường, nhất là văn hóa ẩm thực. 

Từ bé, quê hương Việt Nam đã rất thân quen với tôi qua những món ăn dân dã của Việt Nam do mẹ nấu. Sau này, trưởng thành, đi nhiều nơi, tôi đều tự nấu cho mình các món ăn Việt. Tôi nấu rất ngon. Và chính tình yêu Việt Nam ấy đã lan truyền sang người bạn đời của tôi. Từ sự ngượng nghịu khi lần đầu tiên cầm đôi đũa, đến nay, không những bà Lebreton Marguerite đã quen với món ăn Việt mà còn có thể nấu khá ngon các món ăn Việt Nam. Bữa ăn thường ngày của chúng tôi đều là các món ăn Việt. Cũng chính từ tình yêu ấy mà bà Lebreton Marguerite đã nguyện cùng tôi trở về sống trọn đời ở Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Điều gì đã khiến ông quyết định trở về Việt Nam sống trọn đời?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Chim có tổ, người có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Năm 1987, sau khi đưa di hài của cha tôi, vua Duy Tân về an táng trọng thể tại An Lăng, Huế, chấm dứt hành trình lưu đày 70 năm ở xứ người của một ông vua yêu nước thất cơ lỡ vận, tôi về Việt Nam thường xuyên hơn. 

Những chuyến về Việt Nam ban đầu mang ý nghĩa hành hương bái yết tổ tiên, ra mắt bà con dòng họ, dần dà đã trở thành thông lệ thường xuyên, thành thói quen, thành niềm vui lẽ sống của tôi, một người con sống xa quê hương. Tôi đã nhiều lần trở về Việt Nam để tìm lại gia phả, gốc gác, cội nguồn. Từ trong sâu thẳm, tôi luôn nghĩ mình là một người con của quê cha đất tổ tìm về cội nguồn vì cha tôi là một người Việt Nam yêu nước. Năm 2005, sau khi nghỉ hưu, vợ chồng tôi đã quyết định ở lại Việt Nam để an dưỡng tuổi già. Và thành phố biển Nha Trang xinh đẹp là nơi mà chúng tôi dự định gắn bó đến cuối đời.

Năm tháng cuối đời của vua Duy Tân qua lời kể vị hoàng tử út (Kỳ 2) - Ảnh 3.

An Lăng - lăng mộ của các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Tại sao ông lại chọn thành phố Nha Trang?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Tôi thấy cuộc sống ở Nha Trang rất dễ chịu, thoải mái. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình. Khí hậu điều hòa, không ẩm ướt hay quá nhiều mưa, môi trường trong lành, con người tốt bụng, hiền lành, mộc mạc. Hồi mới về đây, vợ chồng tôi thuê một căn hộ trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, rồi chuyển đến đường Bắc Sơn ở khu vực Hòn Chồng, và nay là trên đường Nguyễn Phong Sắc, thuộc khu dân cư mới mở phía nam đèo Rù Rì cách trung tâm thành phố 8 km về phía Bắc. Nơi ở mới thật yên tĩnh và trong lành, kín đáo mà lại rất thoáng đãng, tràn ngập nắng gió. Trước cổng nhà, tôi đóng tấm bảng nhỏ trên tường ghi rõ "Mr & Mrs Vĩnh San Joseph". Ở thành phố này, việc người nước ngoài đến sinh sống đã trở nên quá đỗi quen thuộc nên những người hàng xóm rất thân thiện, gặp chúng tôi là chào ông, chào bà. Có điều, họ không hề biết tôi xuất thân từ hoàng tộc.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Chắc hẳn ông bà rất hài lòng với cuộc sống ở đây?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Chúng tôi rất hài lòng. Cuộc sống thực sự thư thái và an nhàn nơi phố biển. Hai con trai của tôi giờ đều đã trưởng thành nên bây giờ là lúc chúng tôi tận hưởng cuộc sống. Sáng sớm và chiều tối, chúng tôi tay trong tay, an nhàn tản bộ, ngắm hoàng hôn buông dần trên mặt biển, cảm nhận nhịp sống bình yên, êm ả pha lẫn một chút sôi động của phố biển. Thỉnh thoảng, tôi chở bà ấy đi chơi, đi mua sắm bằng xe máy hay tạt vào một vỉa hè nào đấy ăn uống đúng kiểu bình dân. Nếu không, hai vợ chồng ở nhà đọc sách, xem ti vi hoặc cùng lên mạng internet xem báo, viết thư điện tử.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Bà Lebreton Marguerite tự đi chợ hằng ngày sao?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Ồ không! Bà ấy chỉ thỉnh thoảng thôi. Tôi mới thường xuyên. Vì bà ấy vẫn chưa quen cách tính tiền Việt, đi chợ cứ nhầm lẫn. Vả lại ngôn ngữ ta phong phú quá. Ví dụ món hàng giá 25.000 đồng thì chỗ này nói hai nhăm, chỗ kia nói hai mươi lăm, chẳng biết đường nào mà lần. Bà nhà tôi nấu ăn rất ngon, nhất là các món Việt.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sau hơn 40 năm chung sống, tôi vẫn thấy tình yêu thương ông bà dành cho nhau thật nồng ấm. Mỗi khi nhắc đến ông, bà Lebreton Marguerite thường nói: "Je suis très fier". (Tôi rất tự hào). Bà không ngừng lặp lại điều đó và niềm hạnh phúc vẫn còn ngời ngời trong ánh mắt mỗi khi hướng về phía ông. Ông có bí quyết gì để giữ gìn, nuôi dưỡng hạnh phúc?

Năm tháng cuối đời của vua Duy Tân qua lời kể vị hoàng tử út (Kỳ 2) - Ảnh 4.

Hoàng tử Vĩnh San Joseph (Tuổi Trẻ & Đời Sống)

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Tôi thật may mắn khi lấy được một người vợ hiểu mình, thương mình hết mực. Anh có tin không? Suốt hơn 40 năm qua, sáng nào bà ấy cũng đích tay pha cà phê, nấu đồ ăn sáng rồi bưng vào tận giường cho tôi. Bà ấy làm một cách tự nguyện và hạnh phúc. Anh hỏi tôi có bí quyết gì ư? Không. Tôi chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất để duy trì hạnh phúc là hai người phải hiểu nhau để rồi cảm thông, độ lượng, bao dung trước những thói hư, tật xấu của nhau. Nếu không hiểu nhau, cảm thông cho nhau, không thể yêu thương nhau dài lâu được. Vì trong mỗi chúng ta, ai chẳng có điều hay, điều dở. Nếu không hiểu nhau, chấp nhận những cái hay cái dở của nhau thì cuộc sống chỉ toàn là hờn giận, trách móc.

Tôi vẫn thường nói với bà ấy là tình yêu cũng giống như cái cây, cần phải chăm sóc, tưới mát nó hàng ngày. Nguồn nước tưới tẩm tốt nhất đó chính là sự quan tâm, săn sóc, là ái ngữ, là những lời nói yêu thương. Hơn 40 năm chung sống với nhau, điều đầu tiên vợ chồng tôi làm mỗi sáng thức dậy là trao nhau một nụ hôn và lời nói: "Anh yêu em". "Em yêu anh". Có những chiều ngồi ôm nhau trên bờ cát trắng ngắm hoàng hôn, tôi nhìn sâu vào mắt bà ấy rồi bảo: "Em thấy không. Cảnh sắc nơi đây đẹp như chốn thiên đường. Và thiên đường ấy chỉ có mỗi hai ta, anh và em. Cảm ơn cuộc đời đã sinh ra em. Cảm ơn thượng đế đã mang em đến cho anh". Tôi thấy, nhiều khi, những lời nói yêu thương trân thành ấy lại khiến cho bà ấy xúc động nhất, hạnh phúc nhất, hơn bất cứ món quà vật chất nào. Nó nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi nhiều lắm. Cho nên, theo tôi, muốn có hạnh phúc xin đừng tiết kiệm lời nói yêu thương.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sống với nhau hơn 40 năm, ông bà có giận dỗi nhau bao giờ không?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Có chứ. Đến cái bát cái đũa đặt cạnh nhau còn có lúc va chạm, sứt mẻ nữa là. Điều quan trọng là phải nhận ra lỗi lầm của mình và bày tỏ lời xin lỗi với đối phương.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Xác định gắn bó đến cuối đời ở Nha Trang, sao ông bà không mua nhà mà phải đi thuê mãi như thế này?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Đồng lương hưu của một công chức chỉ đủ giúp cho chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ và sống bình dị thế này thôi.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Ông có bao giờ buồn vì mình là dòng dõi hoàng tộc mà cuộc sống lại giản dị, khiêm nhường thế này không?

Năm tháng cuối đời của vua Duy Tân qua lời kể vị hoàng tử út (Kỳ 2) - Ảnh 5.

Công trình mang tên vua Duy Tân trên đảo Réunion (Khám phá Huế)

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Không! Không bao giờ! Hồi nhỏ, khi còn sống ở đảo La Réunion, bọn học cùng lớp thấy tôi nghèo đói, rách rưới đã hỏi: "Ê! Sao mày là hoàng tử, con ông vua Tàu mà lại nghèo thế?". Tôi cười bảo: "Thì tao sinh ra đã thế. Biết làm sao?". Sau này, lớn lên, lúc làm ở sân bay Charles-de-Gaulle, tiền kiếm rủng rỉnh, tôi lao vào ăn chơi. Bạn bè đông không biết bao nhiêu mà kể. Ai cũng muốn chơi với tôi, kết thân với tôi. Nhưng sau này, khi có gia đình, không còn nhiều tiền mời bạn bè ăn chơi nữa, họ xa lánh tôi. Bẵng đi một thời gian, chẳng còn thấy mặt mũi ai nữa. Khi ấy, tôi chợt hiểu, vì sao các cụ ngày xưa lại gọi đồng tiền là tiền bạc. Tiền quan trọng thật đấy nhưng nhiều khi nó cũng bạc lắm. Nhiều khi nó khiến mắt ta nhòe mờ, không nhìn rõ được chân tướng của sự việc, sự vật.

Tôi thấy nhiều người không dư dả về tiền bạc, ra ngoài cứ rúm ró, tự ti. Tôi thì không. Với tôi, hạnh phúc nằm chính trong sự giản đơn. Càng đơn giản bao nhiêu, càng dễ có nhiều hạnh phúc bấy nhiêu. Hạnh phúc không nằm trong tiền bạc. Hạnh phúc nằm ở trong tâm. Tâm mình an, tâm mình lạc thì khi ấy, mình đích thực là người có hạnh phúc.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Ông có điều gì tiếc nuối không?

Hoàng tử Vĩnh San Joseph: Chúng tôi đã già rồi nên chẳng mong muốn gì cho riêng mình. Điều tiếc nuối duy nhất là tôi không biết tiếng Việt. Nếu biết tiếng Việt, tôi đã có thể dạy tiếng Pháp cho trẻ em nghèo ở Nha Trang. Sống ở đây một thời gian, tôi cứ giật mình tự hỏi: vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ thờ ơ với lịch sử nước nhà đến vậy. Nguy hiểm quá.

Tôi luôn nghĩ mình là một người con của quê cha đất tổ tìm về cội nguồn vì cha tôi là một người Việt Nam yêu nước. Từ tận đáy lòng, tôi mong được mọi người nhìn nhận như một người Việt hơn là một Việt kiều. Năm 1988, trong chuyến viếng thăm quê chồng, mẹ tôi - bà Fernande Antier - đã ước ao sớm khôi phục lại những con đường mang tên Duy Tân ở Việt Nam. Tạ thế vào năm 2005, có lẽ giờ này ở suối vàng mẹ tôi cũng mãn nguyện phần nào khi đã xuất hiện những con đường mang tên ông ở một số địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại