Vừa qua, Nguyễn Bùi Minh Huy (Huy Ipin), 19 tuổi, sinh sống tại TPHCM, đã xuất sắc đạt được 8.5 IELTS. Số điểm thành phần của nam sinh như sau: Kỹ năng nghe và Đọc: 9.0 điểm; kỹ năng Viết và Nói: 7.5 điểm. Hiện Huy Ipin đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Kinh doanh (trường Đại học Fulbright Viêjt Nam). Ngoài ra, nam sinh từng giành được suất học bổng trị giá cao tại ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học VinUni.
BẬT MÍ BÍ KÍP TỰ HỌC TIẾNG ANH HIỆU QUẢ
Huy Ipin sớm nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc phát triển bản thân. Việc học tốt tiếng Anh giúp các bạn trẻ có cơ hội làm việc và thăng tiến trong môi trường quốc tế hoặc môi trường trong nước nhưng sử dụng nhiều đến ngôn ngữ Anh. "Việc học tốt còn giúp bạn có thể trở thành giáo viên tiếng Anh, truyền động lực học tập cho các học sinh của mình", Huy Ipin hào hứng chia sẻ.
Huy Ipin được tiếp xúc với tiếng Anh lúc mới lên 5 tuổi và bộc lộ sự yêu thích cùng khả năng học tập vốn có. Nam sinh say mê học tập, chưa hề đến các lớp ôn luyện hay trung tâm đào tạo nào. Hàng ngày, em dành nhiều thời gian cho môn học mà bản thân yêu thích.
Chân dung nam sinh Nguyễn Bùi Minh Huy.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Huy Ipin khiêm tốn cho biết, để đạt được điểm số cao trong kỳ thi IELTS là do bản thân luôn chăm chỉ học tập, khám phá nhiều khối lượng kiến thức mới. Với kỹ năng Nghe và kỹ năng Đọc, nam sinh đạt 9.0 điểm - số điểm tuyệt đối. Huy Ipin dành thời gian làm 4 đề/tuần và luôn chú trọng theo dõi sự tiến độ của mình theo mỗi ngày qua một file Excel. Trong quá trình làm đề, điều quan trọng nhất là xác định được những điểm yếu và đưa ra phương án khắc phục kịp thời.
Nam sinh TPHCM hoàn toàn không đi học thêm mà dành thời gian lên mạng tìm kiếm thư viện đề thi để tự học. Bên cạnh đó, em còn mua thêm bộ sách tiếng Anh Cambridge để củng cố kiến thức, chứ học qua các nguồn gián tiếp như Youtube giống các bạn khác.
Khi bước vào phần thi kỹ năng Nghe và Đọc, nam sinh sẽ tập trung cao độ, tránh bị ảnh hưởng bởi những điều xung quanh. Về phần Đọc, Huy Ipin ưu tiên "dễ làm trước, khó làm sau" để không mất nhiều thời gian. Những câu cảm thấy khó, còn vướng mắc nên bỏ qua, tránh suy nghĩ nhiều. Khi đã hoàn thành các câu dễ, nam sinh mới quay lại giải quyết câu khó. Về kỹ năng Nghe, Huy Ipin khuyên các bạn nên cố gắng đọc hết, nghe hết và ghi nhớ khái quát nội dung nhằm biết chính xác thời gian chuyển phần để không bỏ lỡ thông tin.
Với kỹ năng Viết và Nói, nam sinh đạt 7,5 điểm. Nếu như ở 2 kỹ năng trước có thể tự học bằng cách tìm kiếm tài liệu luyện thi thì với kỹ năng Viết và Nói, Huy Ipin chọn cho mình một người bạn đồng hành trong học tập. "Các bạn nên tìm một mentor (người cố vấn) để họ đưa ra đánh giá khách quan về khả năng ngôn ngữ của bạn", nam sinh TP. HCM chia sẻ kinh nghiệm bản thân.
Ngoài ra, Huy Ipin viết 1-2 bài luận/tuần và gửi cho người khác nhận xét. Trước khi viết bài mới, nam sinh sẽ đọc lại bài cũ để tránh lặp lại các lỗi sai trước và cố gắng tận dụng 2-3 từ vựng mới cùng lối diễn đạt mới.
Nam sinh chia sẻ: "Khi làm phần thi Viết, em sử dụng 2 phương pháp là PESTEL và PEEL. Phương pháp PEEL giúp tăng sự liên kết giữa các câu trong một đoạn văn và giữa các đoạn văn với nhau. Còn phương pháp PESTEL để tăng tính vĩ mô và tính thuyết phục trong ý tưởng. Bài viết cần cố gắng mang tính học thuật nhưng cũng cần cân bằng với sự thuyết phục, xúc tích và dễ hiểu. Viết học thuật nhưng người đọc phải hiểu và cảm thấy hay mới là một bài luận xuất sắc.
Chúng ta nên viết task 2 trước task 1. Mỗi bài gồm 3 bước: Bước 1 là viết bố cục ra.; bước 2 tiến hành viết bài đầy đủ; bước 3 là đọc lại nhằm kiểm tra lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. Bài viết chỉ cần đảm bảo độ dài tối thiểu, không bị hạn chế số lượng chữ nên các bạn không cần quá lo lắng".
Với phần thi Nói, để trình bày trôi chảy, Huy Ipin khuyên các bạn nên dành ra 2 tiếng/tuần để luyện tập cùng với mentor của mình. Mentor không nhất thiết phải là người bản địa, họ có thể là người đã quen với format bài thi sẽ tốt hơn. STAR là phương pháp được nam sinh áp dụng vào phần thi này. Phương pháp STAR giúp hình thành một câu chuyện, qua đó bài nói sẽ trọn vẹn và đúng yêu cầu hơn.
Ngoài ra, khi bước vào vòng phỏng vấn, thí sinh nên dành 15 - 30 phút để bản thân "khởi động" với một người khác, tránh rơi vào trạng thái lo âu và hồi hộp. Một quy tắc giúp không bị nói vấp là "quy tắc 2 giây". Nghĩa là khi giám khảo đưa ra câu hỏi, thí sinh sẽ ngừng 2 giây trước khi đưa ra câu trả lời để kịp định hình nội dung. Mẹo nhỏ thứ 2 trong lúc luyện tập là ghi âm lại đoạn trả lời cho đến khi bản thân cảm thấy bài nói trôi chảy, lưu loát.
GAP YEAR 1 NĂM ĐỂ MỞ RA CƠ HỘI MỚI CHO BẢN THÂN
Trước khi trở thành sinh viên trường Đại học Fullbright, Huy Ipin quyết định "gap year" 1 năm để hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó có những định hướng nghề nghiệp trong tương lai qua việc thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong các dự án phi lợi nhuận hoặc thực tập tại công ty. Ngoài ra, "gap year" còn giúp nam sinh phát triển mối quan hệ với nhiều người tài năng thông qua việc hợp tác trong công việc.
Tuy nhiên, mỗi người là một cá thể đặc biệt, không phải ai cũng phù hợp để "gap year". Nam sinh TP.HCM dành lời khuyên cho các bạn trẻ: "Chúng ta chỉ nên "gap year" khi có mục tiêu, kế hoạch thực hiện rõ ràng đối với việc phát triển kỹ năng chuyên môn và hồ sơ thành tích cá nhân trong 9 tháng tới. Bên cạnh đó, chúng ta phải có kế hoạch dự phòng cho trường hợp không đạt được mục tiêu, mục đích bản thân mong muốn.
Điều quan trọng nhất là công việc mình làm trong thời gian "gap year" phải mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc quay trở lại học Đại học như: Xây dựng kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, cách quản lý thời gian,…".
Cụ thể, trong khoảng thời gian này, Huy Ipin thành lập Alpha College Prep – một tổ chức chuyên tư vấn và xây dựng hồ sơ "săn" học bổng vào các trường quốc tế Việt Nam như: Đại học RMIT, Đại học Fullbright, Đại học BUV,… và nhiều trường Đại học nước ngoài. Tổ chức thành lập với sứ mệnh mang lại "giáo dục mơ ước" và "trải nghiệm trưởng thành" cho các bạn trẻ.
"Tổ chức muốn giúp các bạn trúng tuyển ngôi trường mà bản thân bấy lâu hằng mong ước. Còn "trải nghiệm trưởng thành" là sự đồng hành cùng các bạn trong quá trình xây dựng hồ sơ. Qua đó, giúp các bạn hiểu rõ về bản thân và có nhận thức rõ ràng. Hiện tại, tổ chức đã giúp cho 63 bạn nhận được thu tuyển sinh và học bổng và các trường nổi tiếng như: APU, SP Jain, Swinburne,…) với tổng giá trị học bổng lên đến 17,9 tỷ đồng", Huy Ipin.
Bên cạnh vai trò là Founder & CEO tại Alpha College Prep, Huy Ipin còn là gia sư dạy IELTS online và là trợ giảng cho trung tâm VSPACE's IELTS. Nam sinh quản lý đội ngũ gồm 2 trợ giảng và mỗi ngày tự thiết kế giáo trình và giảng dạy theo phương pháp riêng. Nam sinh xây dựng quy trình tiếp nhận, cập nhật tiến độ và chăm sóc các học viên.
Làm nhiều công việc cùng một lúc nên nhiều lúc khiến nam sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, Huy Ipin chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ dừng lại các dự án.
Huy tâm sự: "Mỗi ngày em dành hơn 10 tiếng để làm việc và học tập nên khá mệt mỏi nhưng rất đáng làm. Nhiều khi, em không có thời gian cho bản thân nhưng vẫn hạnh phúc vì tạo được giá trị cho mọi người, đó không nhất thiết là cộng đồng cả trăm người, chỉ là vài bạn thôi nhưng đem lại giá trị thiết thực. Các dự án còn giúp em mở rộng các mối quan hệ. Em tìm được cộng đồng những người xung quanh và học được nhiều điều mới lạ từ họ".
Khi gặp khó khăn hay những lúc cảm thấy stress, Huy Ipin lại tự an ủi bản thân: "Build a strong discipline. Cause when you work, you don't need any motivation. And when you fail, you can walk throught the toughest times all by yourself". (Tạm dịch là: Hãy tự xây dựng cho bản thân tính kỷ luật sắt thép. Bởi khi bạn làm việc, bạn sẽ không cần bất kỳ một động lực nào cả. Và khi mình thất bại, mình vẫn có thể tự bước qua thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống").
Trong thời gian tới, nam sinh dự định sẽ dành nhiều thời gian tập trung vào việc học và chú trọng phát triển Alpha College Prep nhằm mang lại nhiều giá trị cho mọi người.
Ảnh: NVCC