Quyết định kêu gọi ông Zuma từ chức được ủy ban điều hành tối cao của ANC đưa ra tại phiên họp khẩn cấp được triệu tập một cách đặc biệt ở thủ đô hành chính Pretoria cuối ngày 12-2.
Cuộc họp nêu trên được triệu tập sau khi cuộc tranh luận kéo dài gần 10 giờ giữa ông Zuma, người ngồi ghế tổng thống Nam Phi từ năm 2009, và Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa, người nắm quyền lãnh đạo ANC hồi tháng 12-2017, đã thất bại.
Ông Zuma đòi hỏi cho ông khoảng thời gian 3 tháng trước khi ông từ chức, theo tiết lộ của một viên chức ANC.
Lúc này, có thể ANC sẽ phải chuyển sang động thái kiến nghị bất tín nhiệm tại quốc hội đối với vị cựu thủ lĩnh của đảng. Hành vi này được miêu tả là "phương án ác mộng" đối với đảng cầm quyền.
9 năm cầm quyền của ông Zuma đã được đánh dấu bởi sự suy giảm kinh tế và nhiều cáo buộc tham nhũng, làm hủy hoại hình ảnh và tính hợp pháp của một đảng đã dẫn dắt người dân Nam Phi thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc năm 1994.
Tuy nhiên, vị tổng thống 75 tuổi còn giành được sự ủng hộ đáng kể bên trong ANC và tại nhiều địa phương khắp Nam Phi.
Căn cứ vào hiến pháp, Phó Tổng thống Ramaphosa, với cương vị chủ tịch đảng, sẽ tự động lên làm tổng thống thay thế ông Zuma khi ông này từ chức.
Nếu như ông Zuma bị loại bỏ bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi các vị đại biểu bầu chọn được người đứng đầu nhà nước mới. ANC chiếm đa số tại quốc hội nên gần như chắc chắn ông Ramaphosa sẽ được bầu.
Chuyên gia Richard Calland, Trường ĐH Cape Town, nhận định sự ra đi của ông Zuma sẽ tạo cho ông Ramaphosa "cơ hội tái thiết đồng thời chính phủ và đảng cầm quyền".
Thủ lĩnh Đảng Liên minh Dân chủ đối lập, ông Mmusi Maimane, xác nhận các đảng phái đối lập ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm và yêu cầu bầu cử sớm. "Bất kỳ ai thuộc ANC muốn lãnh đạo đất nước này phải nhận được sự ủy nhiệm của nhân dân Nam Phi" - ông này khẳng định.