Nghệ sĩ Bạch Long là cái tên quen thuộc với hầu hết khán giả Việt, đặc biệt là giới mộ điệu cải lương. Bạch Long được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai.
Bạch Long không may mắn như các chị em trong nhà, vì khó nuôi nên từ bé, Bạch Long đã được gửi "đi cho". Dù vậy thì máu nghệ sĩ đã chảy trong huyết quản để rồi, dù có ở đâu thì Bạch Long vẫn nối nghiệp cha mẹ giống các chị Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lựu và em trai Thành Lộc như là định mệnh không thể nào khác.
Ngoài ca diễn, Bạch Long còn dành tâm huyết cho công tác đào tạo thế hệ kế thừa sân khấu cải lương khi thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long. Anh là thầy của nhiều ngôi sao cải lương như Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Vũ Luân…
Nghệ sĩ Bạch Long.
Cũng vì tâm huyết với cải lương nên Bạch Long đầu tư tất cả vốn liếng vào sân khấu, để rồi khi cải lương thoái trào, sân khấu không hoạt động, anh cũng trắng tay.
Anh từng phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của học trò, đồng nghiệp. Tới chiếc đồng hồ - tài sản cuối cùng cũng phải nhờ học trò đi cầm cố vậy mà cũng bị người ta từ chối vì đồng hồ không có giá trị. Học trò anh đi làm bảo vệ, lương được 500.000 đồng, về đưa thầy 300.000. Nhận tiền của học trò, Bạch Long tủi thân nằm khóc.
Sau này, Bạch Long về diễn cho sân khấu kịch Idecaf. Khi nhắc về sự kiện này, nam nghệ sĩ luôn bày tỏ lòng biết ơn với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Anh cho rằng, nhờ về sân khấu này diễn mà anh mới còn sống.
Em trai Thành Lộc cũng nhiều lần ngỏ ý muốn giúp, muốn Bạch Long về sống cùng nhưng nam nghệ sĩ từ chối vì không muốn làm gánh nặng cho em mình.
Bạch Long là người thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long. Dồn hết tài sản làm sân khấu nên khi cải lương thoái trào, anh trắng tay.
Ở tuổi 65, Bạch Long vẫn sống một mình, không vợ không con. Anh thuê trọ trong một căn nhà nhỏ suốt 20 năm qua và sống an phận. Bạch Long cũng có người thương nhưng anh lại không muốn làm khổ người ta nên tình cảm ấy cũng không đi tới đâu.
Vì sống một mình nên Bạch Long rất sợ bị bệnh tật hành hạ như nhiều đồng nghiệp neo đơn khác. Anh chỉ mong được ra đi sau một giấc ngủ chứ không muốn làm phiền ai.
Dù cuộc sống riêng nhiều thăng trầm, sức khỏe ở tuổi xế chiều cũng lúc này lúc khác nhưng với nghệ thuật, với cải lương – lúc nào nghệ sĩ Bạch Long cũng hết mình, cũng đam mê và tận hiến.
Bạch Long từng có giai đoạn rất khó khăn, phải sống nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của học trò, đồng nghiệp.
Hồi đầu năm nay, nghệ sĩ Bạch Long còn thực hiện cả một live show riêng của anh và các học trò với tên gọi "Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười". Đây cũng là live show kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của Bạch Long.
Đúng như tên gọi của live show, cuộc đời và sự nghiệp của Bạch Long dường như đều ở hết trong đó. Dù cuộc sống của khó khăn, gian nan thế nào, nam nghệ sĩ luôn giữ tinh thần lạc quan và hết mình với nghề.
Việc được sống với nghề, làm nghề cũng như đào tạo ra rất nhiều ngôi sao cải lương sự an ủi và là niềm hạnh phúc với Bạch Long ở tuổi 65.
Hiện tại, Bạch Long sống một mình trong căn nhà thuê đã 20 năm qua. Dù cô ơn, không vợ không con, cuộc sống cũng bấp bênh nhưng nam nghệ sĩ luôn lạc quan và dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật.
Mới đây, chia sẻ trên một tờ báo về cuộc sống ở tuổi 65, Bạch Long cho biết, bản thân vẫn sống kiếp nhà thuê. Ngoài kịch và cải lương, anh còn được mời đóng phim, làm giám khảo các cuộc thi liên quan đến cải lương.
"Tôi liệu cơm gắp mắm, ráng kiếm đủ tiền trả tiền nhà, còn việc ăn thì linh động. Lúc ít tiền, có khi ăn cơm với nước tương, trái chuối, miếng đậu hũ. Thế cũng đủ no để làm việc. Tương lai thế nào không thể biết, quan trọng là ở hiện tại, tôi được cống hiến cho cải lương", nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ trên tờ Một thế giới.