"Không giống với mọi năm, tình hình tài chính cuối năm nay của mình không được sáng sủa lắm. Thế nên tiền biếu bố mẹ tiêu Tết này chắc cũng chỉ được hơn 10 triệu. Thôi thì Tết năm nay biếu được ít tiền, đành bù đắp cho bố mẹ bằng thời gian và sự yêu thương vậy." Đây có lẽ là năm mà Kiều Trang (1998, TPHCM, Nhân viên văn phòng) đón tết với tài chính có chút khó khăn.
Cũng đón Tết trong tâm thái bất an, vì dự đoán lương thưởng cuối năm nay cũng không "đáng mong chờ", Lâm Minh (25 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Đang yên đang lành tự dưng lại Tết. Sau 1 năm làm việc quần quật, nào là chuyện công việc, gia đình cũng đã đủ áp lực. Giờ lại cộng thêm cả chuyện tiền để tiêu Tết nữa, với mình áp lực lại nhân đôi. Vì mới chuyển công tác, nên ở công ty mới mình chưa làm đủ 1 năm, chuyện thưởng Tết tháng thứ 13 dự đoán là cũng không có kỳ vọng rồi!" - Minh cảm thán.
Câu chuyện người trẻ và tiền tiêu Tết có lẽ vẫn chưa có hồi kết!
Biếu 10 triệu làm quà tuy ít nhưng đã cố hết khả năng
Kiều Trang (1998, TPHCM) mới ra trường và đi làm được 2 năm, nhưng tính thưởng Tết năm ngoái lại có phần nhỉnh hơn năm nay. Lý do khách quan là do tình hình công ty cuối năm gặp khó khăn, lương thưởng không được hậu hĩnh: “Lương và thưởng hàng năm của mình được tính trên cả hoa hồng theo doanh số. Thế nên nếu muốn nhận được lương cao để ăn Tết thì phải cố cày cuốc. Nhưng tình hình kinh tế chung đang gặp khó khăn, những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như công ty mình bị ảnh hưởng khá nhiều. Chỉ tính doanh số tháng 11 đã giảm 30% so với tháng 10. Cứ đà này thì thưởng Tết của mình năm nay gặp nguy rồi. Mình ước lượng con số nhận được cả lương và thưởng năm nay chắc cũng chỉ nhỉnh hơn 20 triệu 1 chút. Mới chia ra cho tiền máy bay và tiền biếu bố mẹ cũng đã vơi gần hết. Nghĩ đến Tết lại thấy có chút nản, vì làm cả năm cũng chẳng đủ tiền tiêu Tết!
Ảnh minh họa - Pinterest
Tiền tiêu Tết của mình hàng năm đều là những khoản cố định. Một số có thể kể đến như tiền vé máy bay (vì mình ở trong Nam, nhưng gia đình mình thì ngoài Bắc), năm ngoái chuyến khứ hồi chỉ hơn 5 triệu 1 chút. Nhưng chẳng biết có phải bão giá hay không, mà giữa tháng 11 mình kiểm tra, cặp vé đã gần 7 triệu đồng. Mình có hỏi ý kiến gia đình rằng có thể về ăn Tết muộn 1-2 ngày hay không, vì vé vào mùng 1 và mùng 2 rẻ hơn hẳn 2-2,5 triệu. Đối với người mới đi làm như mình, chưa có nhiều tích lũy thì con số này khiến mình suy nghĩ. Nhưng bố mẹ mình nhất nhất bảo về sớm đi, nếu không thì cả nhà không ăn Tết. Nghe vậy nhưng mình vẫn canh cánh chuyện biếu quà Tết bố mẹ nữa.
Ngoài tiền vé máy bay, chuyện biếu bố mẹ tiền tiêu Tết là việc mình làm hàng năm kể từ khi có công việc đầu tiên. Tuy bố mẹ chẳng đòi hỏi mình phải mang nhiều tiền về nhà, nhưng phận con cái vẫn muốn báo hiếu qua những chuyện này. Cứ cuối năm mình dành hơn phân nửa tiền lương thưởng để gửi mẹ. Nhưng năm nay, cứ đà này chắc mình cũng chỉ biếu mẹ được hơn 10 triệu. Con số này với nhiều người có lẽ là khá ít, nhưng với mình thì không phải vậy. Phải làm việc chăm chỉ lắm, mình mới nhận được mức lương thưởng này. Nên dù có ít, nó cũng khiến mình hạnh phúc. Vì ít nhất không cần ăn Tết xa nhà. Đây có lẽ sẽ là một cái Tết có phần đơn giản hơn mọi năm.”
Không có thưởng tháng 13, tiêu Tết thế nào?
Không nhận được thưởng Tết tháng 13, Lâm Minh (25 tuổi, Hưng Yên) cũng cảm thấy có chút tiếc nuối: “Quả thực năm nay khi nhảy việc, mình cũng chưa nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Tận đến 2 tháng cuối năm này, mình mới nhận được thông báo về chuyện lương thưởng cuối năm. Thế là tiền tiêu Tết năm nay của mình chỉ gói gọn vào mức lương của tháng 12, cộng thêm tiền thưởng nóng nếu làm tốt. Không chỉ riêng chuyện tiền lương, mình còn cảm thấy những áp lực lớn hơn từ chuyện chạy tiến độ để đạt chỉ tiêu. Vì theo như thỏa thuận về lương, mình cần phải "về số" thì mới nhận được 100% mức lương cứng. Nếu không thì chế độ tính lương sẽ khác. Mỗi ngày, mình đều dốc cạn lực để đẩy hiệu suất làm việc lên cao, tăng ca liên tục, ra khỏi công ty mà vẫn còn nhiều vướng bận,... Tất cả cũng chỉ vì mong có 1 cái Tết được đầy đủ. Chính vì thế, nên kể từ khi đi làm, mình đã không còn hào hứng với Tết nữa rồi.
Rồi những dự định của năm cũ như để dành được 1 số tiền tiết kiệm, mua xe, sắm sửa cho gia đình, tự thưởng bản thân 1 chuyến du lịch,... hầu như đều chưa thực hiện được vì những tính toán tài chính không khôn ngoan lắm của mình. Trót lỡ nhảy việc vào thời gian khó tìm việc nhất, bão giá ập đến, cộng thêm tình hình kinh tế biến động, cũng khiến tài chính mình có phần khó khăn hơn rất nhiều so với các năm trước.
Ảnh minh họa - Pinterest
Để có 1 cái Tết gói gọn trong khoản tiền lương, mình cũng đã lên 1 kế hoạch nhỏ để không tiêu phạm số tiền này. Trước hết, mình vạch ra những khoản quan trọng nhất phải chi tiêu như: Biếu bố mẹ chút tiền, tiền mua quà bánh Tết, vé xe về quê, tiền mừng tuổi những người thân thiết. Cả năm chẳng dành dụm được bao nhiêu khiến mình thêm nặng gánh. Nhưng ông bà ta có câu "khéo co thì ấm". Nên để tránh tình trạng nợ nần sau Tết, mình cũng luôn nhắc nhở bản thân phải chi tiêu sáng suốt trong những ngày này.
Mình không dành quá nhiều tiền để sắm sửa cho bản thân, vì mình thấy thực sự không cần thiết. Chi phí dành cho những cuộc vui chơi cũng thu hẹp lại, nếu không hầu bao sẽ xẹp xuống rất nhanh. Dù Tết là để sum họp, để tụ tập vui chơi, nhưng cũng phụ thuộc vào khả năng tài chính nữa. Bớt chơi 1 chút thì bớt áp lực cho bản thân.
Và mình luôn nghĩ đến 1 tương lai tốt hơn, cố gắng đón Tết trong vui vẻ, gạt bớt đi phần lo toan nhờ những tính toán từ trước. Liệt kê ra được những khoản cần chi tiêu giúp mình có 1 con số cụ thể, rồi cứ thế thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo không chệch hướng là cũng ổn rồi".