Sở GD-ĐT TPHCM mới đây đã có hướng dẫn thực hiện chương trình nhà trường tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thành phố kể năm học 2024-2025 với nhiều điểm mới.
Sở GD-ĐT TPHCM quy định, các nội dung nhà trường được tổ chức giảng dạy trong chương trình nhà trường từ năm học 2024-2025 gồm: Việc tổ chức dạy học ngoại ngữ (tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài trong nhà trường; tổ chức dạy học ngoại ngữ qua toán và khoa học); tổ chức giáo dục STEM; tổ chức rèn luyện kĩ năng sống và các loại hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá; tổ chức hoạt động dạy học tin học tăng cường theo chuẩn quốc tế và giáo dục kĩ năng công dân số.
Như vậy, so với năm học trước, năm nay có thêm nội dung giáo dục mới là Giáo dục kỹ năng công dân số sẽ được triển khai ở bậc tiểu học theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Giáo dục kỹ năng công dân số là gì?
Theo một khảo sát được thực hiện tại 2 trường tiểu học tại Hà Nội, trong số các học sinh lớp 4 và 5 tham gia có 6,5% em đã tiếp cận nội dung người lớn, 3,9% em gặp trường hợp bị người xấu lôi kéo, rủ rê trên mạng.
Cuộc khảo sát chỉ tại 2 trường học, nhưng có thể thấy nhiều em đang phải đối mặt nguy cơ trên mạng internet. Do đó, việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là hết sức cấp thiết, cần phải thực hiện một cách bài bản, khoa học và thực chất.
Trước đó, báo cáo về nhiệm vụ và nội dung triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Xu hướng giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Đây là xu hướng giáo dục tập trung vào việc giáo dục cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề và sinh sống, hoạt động một cách an toàn, chính trực và hiệu quả trong thế giới số.
Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời, giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Tại Việt Nam, hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số những năm trước đây chủ yếu được thực hiện trong nhà trường ở phân môn Tin học. Tuy nhiên, hiện nay, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ lớp 3, với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học. Các nội dung kỹ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với 3 mạch kiến thức chủ đạo là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông và Học vấn số hóa phổ thông.
Trong những năm gần đây, thấy được sự cần thiết phải giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, trong các nhà trường và ngoài xã hội, các hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số bổ trở ngoài chương trình môn Tin học đã được triển khai ngày càng sôi nổi, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Trong năm học 2023-2024, Bộ GDĐT triển khai thí điểm giai đoạn một trên 10 tỉnh, thành phố. Với lộ trình dự kiến, năm học 2024-2025, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai thí điểm10 tỉnh tiếp theo. Năm học 2025-2026 triển khai diện rộng 63 tỉnh/thành.