Nắm giữ "2 kho báu" cả thế giới khao khát, Trung Quốc ra quyết định bất ngờ: Nhà ai nấy dùng, không chia ai cả!

Mạnh Kiên |

Đây là cảnh báo rõ ràng về việc Trung Quốc sở hữu một "vũ khí" mạnh mẽ có thể tác động đến ngành công nghệ toàn thế giới.

Trái tim của ngành công nghệ toàn cầu

Chỉ một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu gecmani và gali, hai yếu tố rất cần thiết để sản xuất chất bán dẫn, các lô hàng nguyên liệu ra nước ngoài của nước này đã giảm xuống mức 0.

Theo CNN, Bắc Kinh cho biết đã phê duyệt một số giấy phép xuất khẩu nhưng những hạn chế nói trên là một cảnh báo rõ ràng về việc Trung Quốc có một vũ khí mạnh mẽ có thể tác động đến ngành công nghệ toàn thế giới.

Các biện pháp hạn chế được đưa ra sau khi Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản hạn chế bán chip và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ quan trọng mà nước này có thể sử dụng.

“Vẫn còn sớm để dự đoán các hạn chế sẽ chặt chẽ đến mức nào. Nhưng nếu Trung Quốc chặn lượng lớn hàng xuất khẩu, điều này sẽ gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cho chính người tiêu dùng công nghệ trực tiếp”, Xiaomeng Lu, chuyên gia về địa-công nghệ tại Eurasia Group cho biết.

Nắm giữ 2 kho báu cả thế giới khao khát, Trung Quốc ra quyết định bất ngờ: Nhà ai nấy dùng, không chia ai cả! - Ảnh 1.

Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất hai nguyên tố này. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), năm ngoái, cường quốc châu Á chiếm 98% sản lượng gali toàn cầu và 68% sản lượng gecmani tinh chế.

Theo Marina Zhang, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, mặc dù có những lựa chọn thay thế cho Mỹ và các đồng minh, nhưng việc xây dựng chuỗi cung ứng độc lập để xử lý gali và gecmani có thể đòi hỏi khoản đầu tư “đáng kinh ngạc” lên tới hơn 20 tỷ USD, cũng như phải mất nhiều năm để phát triển.

“Các công nghệ và cơ sở tinh chế để xử lý gali và germani không thể được xây dựng chỉ trong một đêm, đặc biệt khi xem xét các tác động môi trường của việc khai thác”, chuyên gia cho biết.

Theo Zhang, mặc dù khoáng sản chỉ chiếm “vài trăm triệu USD” trong thương mại toàn cầu, nhưng chúng rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp bán dẫn, quốc phòng, xe điện và công nghiệp viễn thông, mỗi ngành có giá trị hàng trăm tỷ USD.

Sự thống trị của Trung Quốc

Trung Quốc đã thống trị lĩnh vực sản xuất cả hai nguyên tố này trong ít nhất một thập kỷ.

Gallium là kim loại mềm, màu bạc và dễ cắt bằng dao. Nó thường được sử dụng để sản xuất các hợp chất có thể tạo ra chip tần số vô tuyến cho điện thoại di động và vệ tinh liên lạc.

Germanium là kim loại cứng, màu trắng xám và giòn được sử dụng trong sản xuất sợi quang có thể truyền sáng và dữ liệu điện tử.

Cả hai đều không được tìm thấy trong tự nhiên. Chúng thường được hình thành như một sản phẩm phụ của quá trình khai thác các kim loại phổ biến hơn: chủ yếu là nhôm, kẽm và đồng.

Nắm giữ 2 kho báu cả thế giới khao khát, Trung Quốc ra quyết định bất ngờ: Nhà ai nấy dùng, không chia ai cả! - Ảnh 2.


Theo Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ING Group, việc xử lý các nguyên tố này có thể “tốn kém, thách thức về mặt kỹ thuật, tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm”.

Ông nói: “Trung Quốc thống trị sản xuất hai kim loại này không phải vì chúng hiếm mà vì họ có thể giữ chi phí sản xuất ở mức khá thấp và các nhà sản xuất ở nơi khác không thể sánh kịp với chi phí cạnh tranh đó”.

Theo dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington tổng hợp, từ năm 2005 đến năm 2015, sản lượng gali có độ tinh khiết thấp của Trung Quốc đã tăng vọt từ 22 tấn lên 444 tấn.

Các nhà phân tích từ viện nghiên cứu cho biết vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong ngành nhôm đã cho phép nước này chiếm thị phần thống trị trong sản xuất gali toàn cầu.

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chính sách chiến lược để thúc đẩy sản xuất, bao gồm yêu cầu các nhà sản xuất nhôm trong nước phải tạo ra công suất khai thác gali.

Đây là lý do tại sao trong 10 năm qua, việc sản xuất gali về cơ bản đã trở nên không khả thi về mặt kinh tế đối với các quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

Từ năm 2013 đến năm 2016, Kazakhstan, Hungary và Đức đều đã ngừng sản xuất gali sơ cấp. Đức tuyên bố vào năm 2021 sẽ khởi động lại sản xuất vì giá tăng.

Dù gặp nhiều thách thức, ngành công nghệ toàn cầu vẫn có thể trông chờ vào triển vọng đến từ những nhà cung cấp thay thế.

Theo USGS, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã sản xuất tổng cộng 1,8% tổng lượng gali toàn cầu vào năm 2022. Đối với germanium, Teck Resources của Canada là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Công ty Indium Corporation của Mỹ cũng là nhà sản xuất hợp chất và hợp kim germanium hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, có 5NPlus của Canada và Umicore của Bỉ sản xuất cả hai nguyên tố này.

Nhưng “sẽ mất thời gian để đưa các nguồn cung cấp thay thế trở thành hiện thực”, Chris Miller, tác giả cuốn “Chip War” và là nhà sử học kinh tế, nói với CNN. Hơn nữa, giá thành có thể sẽ bị đẩy lên cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại