Trong báo cáo vào ngày 12/1, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết, kỷ lục nhiệt độ được thiết lập mỗi tháng kể từ tháng 6 đến tháng 12/2023 và xu hướng nóng lên này sẽ tiếp tục trong năm 2024 do hiện tượng El Nino làm khí hậu ấm lên..
Cùng chung quan điểm, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo, 67% khả năng năm 2024 sẽ ấm hơn năm 2023, và chắc chắn tới 99% rằng năm 2024 sẽ nằm trong nhóm 5 năm nóng nhất từ trước đến nay.
Thỏa thuận chung Paris năm 2015 nhằm mục đích hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, với kịch bản tốt nhất là 1,5 độ C.
Tuy nhiên, WMO cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm vào năm 2023 đã cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth thậm chí đưa ra con số 1,54 độ C.
(Ảnh: The Filipino Times)
Lãnh đạo WMO, bà Celeste Saulo cảnh báo, hiện tượng El Nino xuất hiện vào giữa năm 2023 có thể khiến Trái đất còn nóng hơn nữa vào năm 2024.
"Sự chuyển dịch từ La Nina sang El Nino vào giữa năm 2023 được phản ánh rõ ràng qua sự gia tăng nhiệt độ", hãng tin AFP dẫn lời bà Saulo.
Theo bà Saulo, biến đổi khí hậu hiện là "thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt". Một báo cáo của WMO vào tháng 11-2023 cho thấy nồng độ của 3 loại khí nhà kính là carbon dioxide, methane và nitrous oxide, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và tiếp tục tăng vào năm 2023.
"Do El Nino thường có tác động lớn nhất đến nhiệt độ toàn cầu sau khi đạt đỉnh nên năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa", lãnh đạo WMO nói.
Hiện tượng El Nino trở lại vào cuối năm 2023, hơn 3 năm sau khi hiện tượng La Nina xuất hiện trên Thái Bình Dương.
Trái với La Nina gây mưa lũ và phần nào giúp hạ nhiệt độ Trái đất, El Nino xảy ra khi gió thổi về phía Tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm bị đẩy về phía Đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện khoảng 3 - 4 năm/lần và kéo dài 8 - 12 tháng.