Năm 2024, quái vật vũ trụ trong cổ văn thế kỷ XIII sẽ trở lại

Anh Thư |

Năm 1217, một tu sĩ người Đức nhìn lên bầu trời phía Tây Nam và nhận thấy một ngôi sao bỗng biến thành "quái vật vũ trụ", bùng cháy trong nhiều ngày.

Sự kiện năm 1217 đã được tu sĩ Abbott Burchard, người đứng đầu Tu viện Ursberg thời Trung cổ ở Đức, ghi lại vào biên niên sử. Ông mô tả đó là "một dấu hiệu tuyệt vời", một vật thể bí ẩn tỏa sáng rực rỡ giữa chòm sao Bắc Miện trong nhiều ngày.

Năm 2024, quái vật vũ trụ trong cổ văn thế kỷ XIII sẽ trở lại - Ảnh 1.

Hình vẽ đi kèm văn bản cổ xưa mô tả chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis) là hình chiếc vương miện, nằm ngay cạnh chòm sao Vũ Tiên (Hercules) mang hình dáng chàng dũng sĩ trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh: LIBRARY OF CONGRESS

Theo Live Science, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Bradley E.Schaefer của ĐH Bang Louisiana (Mỹ) đã nghiên cứu cổ văn này và cũng đưa ra mô tả tương tự.

Họ xác định đó chính là vật thể đã được khoa học hiện đại ghi nhận thông qua quan sát thiên văn 2 lần vào năm 1866 và 1946.

Nó là một quái vật vũ trụ thật sự: Ngôi sao "ma cà rồng" mang tên T CrB nằm trong chòm sao Bắc Miện.

Hiện tại nó vẫn ở trên bầu trời như một ngôi sao hết sức bình thường, nhưng các tính toán cho thấy vào năm 2024, nó sẽ xuất hiện một lần nữa dưới hình dạng "quái vật", như một đốm lửa cháy bùng giữa trời trong vài ngày.

Bởi vì nó chính là một "nova".

Nova là một sự kiện bùng nổ của ngôi sao mang tính chất giống một lần "hấp hối". Nguyên nhân là T CrB vốn là một sao lùn trắng - dạng sao "thây ma" vốn là phần xác còn lại của một ngôi sao giống Mặt Trời của chúng ta.

T CrB không lẻ loi như Mặt Trời mà có một sao đồng hành trẻ trung hơn. Khi thành sao lùn trắng, nó đã xuất hiện hành vi "ma cà rồng", liên tục hút vật chất từ bạn đồng hành. Cứ khoảng 80 năm, ngôi sao này sẽ trở nên quá no nê và bị nổ trong một sự kiện nova.

Các tính toán cho thấy sự kiện bùng nổ tiếp theo là trong năm 2024.

Theo lý thuyết, sẽ đến một ngày T CrB cũng như các ngôi sao ma cà rồng khác ăn quá no dẫn đến "vỡ bụng", phát nổ hoàn toàn trong một sự kiện khốc liệt hơn gọi là "supernova", tức "siêu tân tinh". Đó sẽ là ngày nó chết hoàn toàn.

Các nhà khoa học tin rằng T CrB cũng là vật thể chưa giải thích được từng bị nghi là sao chổi trong các cổ văn khác. Họ hy vọng rằng sự "xác minh danh tính này" sẽ giúp hoàn thiện tốt hơn mô hình theo dõi và dự đoán ngôi sao đặc biệt này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại