Sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt kỷ lục
Theo thông tin Rice Outlook trên trang web Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA, sản lượng gạo toàn cầu năm 2023 - 20224 dự kiến đạt kỷ lục 513,7 triệu tấn (xay xát), tăng 0,2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 1 vừa qua và tăng 0,8 triệu tấn so với một năm trước đó.
Trên cơ sở hàng năm, Argentina, Úc, Brazil, Myanmar, Campuchia, Colombia, Ai Cập, Liên minh Châu Âu, Ghana... chiếm phần lớn lượng dự kiến tăng sản lượng gạo toàn cầu vào năm 2023 - 2024. Pakistan và Hoa Kỳ được dự đoán sẽ đạt được mức tăng sản lượng lớn nhất vào năm 2023 - 2024.
Lúa gạo là mặt hàng quan trọng, hàng hóa thiết yếu đối với 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường, với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362,26 triệu USD. Giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023.
Sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 508.000 tấn, kim ngạch 342 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn.
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Các thị trường nhập khẩu chủ lực gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm phải kể đến Philippines, Indonesia, Trung Quốc và các nước châu Phi
Cần đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam
Theo dự báo, trong năm nay, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.
Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn. Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khoảng 3,6 triệu tấn. Trung Quốc sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, quốc gia có sản lượng gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.
Điều này sẽ tạo cơ hội tốt cho việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm 2024. Ước tính, xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam sẽ vượt 8 triệu tấn, mang về khoảng 5 tỷ USD.
Mặc dù đứng trong top đầu các nước về sản lượng xuất khẩu gạo nhưng thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường vẫn "nhạt nhòa". Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được nhà nhập khẩu tại thị trường này làm nổi bật so với các nhãn hàng cùng loại của Nhật Bản và Thái Lan. Vì vậy, ông khuyến nghị doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần tập trung việc xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.
Đồng quan điểm đó, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam.
Để lúa gạo Việt Nam rộng mở trên con đường xuất khẩu quốc tế, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiến nghị cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp tới các hệ thống phân phối nước ngoài, tiếp cận hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu.
Ông Cường cho biết thêm, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.