Năm 2022: Đầu tư bất động sản hay giữ vàng?

Thái Phương |

Nhiều nhà đầu tư đang phân vân "chọn mặt gửi vàng" các kênh đầu tư trong năm 2022, giữ vàng như kênh trú ẩn an toàn hay "đu" theo những cơn sốt bất động sản…

Thị trường bất động sản tiếp tục có những "cơn sốt" trong năm ngoái và được dự báo còn nhiều triển vọng trong năm 2022, giá vàng không đột biến nhưng vẫn có mức tăng trưởng cao hơn lợi nhuận ngân hàng. Vậy chọn kênh đầu tư nào hấp dẫn trong năm nay?

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển:
Giá đất nhiều nơi tăng nóng, có nên "xuống tiền"?

Giá nhà đất đang tăng trong giai đoạn hiện nay có yếu tố đúng và không đúng. Đúng ở một số địa phương do có yếu tố hợp lý tạo tăng giá. Như đất Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có tăng nên một số chỗ do được phép hoặc chính quyền quản lý chưa chặt nên người dân phân lô tách thửa vừa túi tiền, nên các khu vực này giá đất có tăng lên.

Hay đất Lagi (tỉnh Bình Thuận) tăng do thông tin lên thành phố và nhà đầu tư so sánh với giá Hồ Tràm thấy còn mềm quá nên tăng…

Với thông tin đất tăng giá từng ngày khiến một số người có đất dù đang muốn bán ở mức giá thấp hơn nhưng sợ bán hớ, còn nhà đầu tư lướt sóng muốn tham gia để không bỏ lỡ cơ hội kiếm lời.

Có điều, giá nhà đất đang tăng cao chưa hẳn đúng, vì nhiều nơi người có nhà đất muốn bán rất khó, giá bán như đầu năm 2021 hoặc bán giá bằng năm 2019 cũng chưa có khách…

Năm 2022: Đầu tư bất động sản hay giữ vàng? - Ảnh 1.

Những ngày cuối năm, các bảng rao bán đất nền mọc lên trên nhiều tuyến đường vùng ven ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Theo tôi, đầu tư bất động sản trong năm nay vẫn tốt, nhưng có thể cũng xảy ra trường hợp thanh khoản giảm khá mạnh, xuất hiện giảm giá một số nơi đang ở vùng "đỉnh" thời gian qua. Trong bối cảnh này, thị trường đi vào giai đoạn khó khăn thật sự, sẽ là cơ hội cho người có tiền chọn lựa, người càng có tiền nhiều - vài chục tỉ đồng trở lên càng có cơ hội chọn lựa.

Riêng về tâm lý giới kinh doanh bất động sản, có một thực tế là trong khi bên ngoài hào hứng về thị trường đang tăng mạnh, thì bên trong mơ hồ về thị trường đóng băng?

Bởi thực tế những thông tin bất lợi đến thị trường bất động sản như lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, nợ xấu ngân hàng tăng… sẽ tác động đáng kể tới thị trường trong năm nay.

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải
Giá vàng có thể biến động mạnh, nhưng bớt hấp dẫn hơn

Năm 2021, dù giá vàng thế giới đóng cửa giảm 7,12% so với năm trước ở mức 1.800 USD/ounce, nhưng giá vàng SJC vẫn tăng khoảng 9,63%, đóng cửa ở mức 61,5 triệu đồng/lượng. Mức sinh lợi không quá cao nhưng vẫn hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và các kênh đầu tư khác như bất động sản đang hấp dẫn, dòng tiền chảy vào vàng đã kém hấp dẫn hơn.

Năm 2022: Đầu tư bất động sản hay giữ vàng? - Ảnh 2.

Giá vàng SJC tăng cao trong năm 2021 nhưng đến thời điểm này tiếp tục chênh lệch kỷ lục so với giá vàng thế giới. Ảnh: Tấn Thạnh

Dự đoán trong nửa đầu năm, giá vàng thế giới có thể quanh ngưỡng từ 1.700 - 1.900 USD/ounce. Nhưng nửa cuối năm nay có thể có biến động mới, vì giữa tháng 10 năm nay có cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ khi sẽ bầu lại số thành viên của Hạ viện và bầu lại 1/3 số thành viên của Thượng nghị sĩ…

Do đó, giai đoạn nửa cuối năm giá vàng sẽ có biến động, có thể tăng hoặc giảm khi phụ thuộc diễn biến này, giống như kịch bản vào tháng 8-2020 khi cao trào bầu cử Tổng thống Mỹ và giá vàng thời điểm đó đã lập đỉnh vùng 2.063 USD/ounce và giá vàng SJC vượt 62 triệu đồng/lượng.

Đối với giá vàng trong nước, sự chênh lệch quá lớn của giá vàng SJC và giá vàng thế giới đang khiến thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, lượng giao dịch vàng SJC không nhiều và giá không phản ánh đúng xu hướng thị trường.

Vì vậy, những người tham gia, dù bán hay mua cũng dễ bị thiệt hại. Do đó, tôi đề xuất không nên niêm yết theo giá của vàng SJC mà theo giá vàng nhẫn hoặc vàng trang sức 999,9. Vì giá vàng SJC hiện đang phi thực tế. Hoặc xa hơn, có thể xem vàng SJC là loại hàng hóa bình thường với điều kiện cấm sử dụng vàng là phương tiện thanh toán, cấm huy động và cho vay vàng.

Lãi suất gửi tiết kiệm sẽ nhích lên

Theo các chuyên gia, lãi suất gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư truyền thống. Mức sinh lời không cao như các kênh khác nhưng an toàn.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, phân tích trước áp lực lãi suất tiền gửi giảm, các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán tăng, tăng trưởng tiền gửi của nhiều ngân hàng đang sụt giảm.

Hiện nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm 2021 và đầu 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, ngân hàng cũng phải đẩy mạnh huy động vốn. Từ đó, mặt hàng lãi suất đầu vào điều chỉnh tăng trở lại là dễ hiểu.

Gần đây, mặt bằng lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng ở một số ngân hàng, nhất là tại các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa. Trong năm nay, áp lực lạm phát gia tăng và thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn... là lý do để các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, nhưng khó tăng mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại