*Lược dịch theo bài viết của Edward Carr, phó biên tập The Economist
Một đại dịch không đột nhiên chấm dứt. Nó chỉ phai nhạt dần, và đó sẽ là những gì xảy ra với Covid-19 vào năm 2022.
Đúng vậy, sẽ có những ổ dịch theo khu vực hoặc theo mùa, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Các nhà dịch tễ học cũng sẽ phải theo sát các biến chủng mới có khả năng vượt qua khả năng miễn dịch của vaccine. Nhưng dẫu vậy, trong những năm sắp tới, Covid-19 sẽ chuyển từ đại dịch về một dạng bệnh đặc hữu, giống như cảm cúm và cúm mùa. Hầu như cả thế giới sẽ trở về cuộc sống bình thường. Hay đúng hơn là một điều bình thường mới, thời kỳ hậu Covid.
Đằng sau viễn cảnh này là những thành công rực rỡ. Thành công là ở việc phần đông nhân loại đã được tiêm chủng, ở chỗ có những phương thuốc hỗ trợ điều trị theo từng giai đoạn và làm giảm phần lớn nguy cơ tử vong.
Việc tạo ra vaccine và thuốc một cách nhanh chóng cũng là cột mốc quan trọng đối với khoa học. Vaccine bại liệt kể từ khi được thử nghiệm đã phải mất 20 năm mới được cấp phép tại Mỹ. Trong khi đó chỉ chưa đầy 2 năm sau khi biết đến virus SARS-CoV-2, thế giới đã tìm cách sản xuất mỗi tháng 1,5 tỉ liều vaccine, với dự đoán lên tới tổng cộng 22 tỉ liều vào tháng 6 năm tới.
Cần nhắc lại, vaccine không mang đến khả năng bảo vệ 100%, đặc biệt là trên nhóm người già. Chính vì thế, y khoa thế giới tạo ra thuốc điều trị, với khả năng giảm nguy cơ tử vong tới 20 - 30%. Sự kết hợp giữa vaccine và thuốc điều trị cũng giống như những bức tường, mỗi bức sẽ ngăn chặn một phần độc lực của virus, và tựu trung tạo ra một lá chắn ổn định để khiến Covid trở nên bớt nguy hiểm.
Nhưng trong viễn cảnh ấy vẫn có những thất bại. Độ nguy hiểm của Covid trong tương lai thực chất phụ thuộc vào những gì nhân loại làm được ở hiện tại. Và ở hiện tại, sự miễn dịch mà nhân loại đạt được đi kèm một cái giá đắt.
Có rất nhiều người được bảo vệ khỏi các biến chủng Covid hiện nay là nhờ họ bị lây nhiễm và khỏi bệnh. Và còn rất nhiều người - chủ yếu ở các nước đang phát triển - vẫn chưa được tiêm chủng hoặc tiếp cận thuốc điều trị, ít nhất là đến nửa sau năm 2022.
Miễn dịch có được với một cái giá quá đắt
Cuộc điều tra của The Economist đã theo dõi số ca tử vong vượt dự đoán thường niên trong giai đoạn xảy ra đại dịch. Theo kết quả đưa ra vào ngày 22/10, tổng số người chết trên thế giới rơi vào khoảng 16,5 triệu (dao động từ 10,2 đến 19,2 triệu) - nghĩa là lớn hơn 3,3 lần so với con số chính thức. Và nếu dựa trên giả định về tỉ lệ lây nhiễm gây tử vong, số người đã nhiễm có thể lên tới 1,5 tỉ đến 3,6 tỉ người - cao hơn từ 6 - 15 lần so với con số được ghi nhận.
Sự kết hợp giữa lây nhiễm tự nhiên và vaccine có thể lý giải được tại sao người ta phát hiện kháng thể Covid-19 trên 93% người trưởng thành tại Anh trong mùa thu. Nhìn chung người đã nhiễm có thể tái nhiễm, nhưng với việc hệ miễn dịch đã từng đối mặt với virus, lần kế tiếp sẽ có phản ứng mạnh hơn. Và với việc có thêm các phương pháp điều trị mới cùng số người trẻ nhiễm bệnh gia tăng, đây có thể là lý do vì sao tỉ lệ tử vong của nước Anh chỉ bằng 1/10 so với thời điểm đầu năm 2021. Chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra với các quốc gia khác.
Mọi chuyện sẽ khác nếu có một biến chủng mới nguy hiểm hơn xuất hiện. Virus về bản chất sẽ luôn đột biến, và càng nhiều đột biến thì khả năng xuất hiện một biến chủng mới sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, các biến chủng mới sẽ khó lòng chết chóc hơn so với Delta. Hơn nữa, các phương pháp điều trị hiện hành vẫn đang hiệu quả, trong khi công nghệ vaccine giờ đã có thể nhanh chóng thay đổi để đáp ứng các biến chủng mới.
Xu hướng con người sẽ chết vì Covid chủ yếu sẽ do họ đã già yếu, hoặc không thể tiếp cận vaccine và thuốc. Cũng có thể là do sự thất bại của tuyên truyền, với những người không chịu tiêm chủng. Dẫu vậy, thực tế là các nước giàu có đang tích trữ vaccine, trong khi việc đưa thuốc đến các vùng nghèo và xa xôi lại khó khăn.
Năm 2022, Covid có thể chưa chấm dứt. Nhưng hẳn là đến 2023, nó sẽ không còn là một căn bệnh nguy hiểm với các nước phát triển nữa. Dẫu vậy ở các nước nghèo hơn, nó vẫn sẽ là một mối đe dọa. Và rồi dần dần, nó sẽ chỉ trở thành một căn bệnh trong lịch sử mà thôi.
Nguồn: The Economist