Năm 2020, hình ảnh Trung Quốc bị tổn thất nặng nề

Bình Giang |

2020 là năm đầy thách thức đối với Trung Quốc trên trường quốc tế, khi các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của họ phải đối mặt với một thế giới ngày càng thù địch.

Ngư dân Úc Jason Hart phải bán tôm hùm tại cảng vì không xuất được sang Trung Quốc như trước Ảnh: abc.net

Ngư dân Úc Jason Hart phải bán tôm hùm tại cảng vì không xuất được sang Trung Quốc như trước Ảnh: abc.net

Giữa bối cảnh đại dịch tàn phá toàn cầu, mâu thuẫn giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan, với Ấn Độ và Úc căng thẳng, trong khi quan hệ với châu Âu và Mỹ gay gắt hơn nhiều.

Các nhà phân tích nói rằng đại dịch COVID-19 làm tăng sự cảnh giác trước những ý định địa chính trị của Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia đánh giá lại quan hệ kinh tế phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, cũng như vai trò của Bắc Kinh trong trật tự quốc tế.

Jacques deLisle, một chuyên gia về luật và chính trị Trung Quốc tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), nói rằng khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, Mỹ và các đồng minh ngày càng coi đó là mối đe doạ, còn Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng thúc đẩy các lợi ích của mình một cách quyết liệt.

“Điều này cũng khiến mức độ căng thẳng và ma sát trở thành điều gần như không tránh khỏi. Càng ngày mối lo ngại về xung đột Mỹ - Trung và rộng hơn là xung đột Trung Quốc - phương Tây càng trở thành vấn đề về lý tưởng và ý thức hệ của cả hai bên. Chúng ta vẫn chưa bước vào chiến tranh lạnh mới, nhưng nó không còn là khả năng xa vời như cách đây không lâu”, ông deLisle nói với SCMP.

Những thách thức mà Trung Quốc đối mặt với năm 2021 dự kiến cũng không giảm bớt, khi có sự đồng thuận ngày càng lớn ở Mỹ và châu Âu về việc phải có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, sau rất nhiều phàn nàn về quan hệ thương mại không có đi có lại và cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên thế giới.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các lợi ích của mình theo cách làm trong vài năm qua và tiếp túc khuyến khích các nhà ngoại giao và quan chức nước này thực hiện ngoại giao “chiến binh sói”, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy tư tưởng tiêu cực với Trung Quốc ngày càng gia tăng”, Pradeep Taneja, một chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế Trung Quốc tại ĐH Melbourne (Úc), nói.

Dù Washington rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, cách thức của Trung Quốc về quản trị toàn cầu không giành được cảm tình của thế giới. Thay vào đó, cách xử lý đại dịch COVID-19 và thiếu sự minh bạch khiến hình ảnh nước này càng bị ảnh hưởng. Khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 10, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc lên mức cao ở Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Úc.

“Cách Trung Quốc nói về đại dịch đã phản tác dụng, và giờ bạn có thể thấy họ đang cố gắng cạnh tranh với các nước khác về vắc xin, trong khi thử nghiệm những vắc xin mới mà không tuân thủ quy trình đúng. Đang có một sự thiếu niềm tin vào vắc xin Trung Quốc ở Hong Kong và cả trên thế giới”, Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về chính trị và ngoại giao Trung Quốc tại ĐH Baptist, Hong Kong, nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại