“Năm 2019 tỷ giá VND/USD giao động quanh mức 1 - 2% là quá mức rồi”

Hồng Quân |

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, kể cả về lý thuyết và thực tiễn, tỷ giá VND/USD không biến động lớn được.

Liên quan đến diễn biến và những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2019, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Hoàng Ngân , thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng.

Một chính sách, đa mục tiêu

Thưa ông, trong 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ cẩn trọng để hỗ trợ mục tiêu kép là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung. Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong 6 tháng qua?

Đánh giá chính sách tiền tệ cần phải nhìn kết quả đạt được trong khoảng thời gian trung hạn.

Trong 5 năm trở lại đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá chặt chẽ theo đa mục tiêu. Điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu không dễ dàng nhưng NHNN đã rất nỗ lực để hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, và điều quan trọng nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhìn một cách tổng quan, chính sách tiền tệ trong thời gian đã rất hiệu quả. Tôi đánh giá tốt kết quả đạt được.

Tôi cho rằng, những giải pháp, biện pháp của NHNN sắp tới nên tiếp tục giữ kỷ cương chính sách như vậy, tiếp tục điều hành một cách linh hoạt, thận trọng theo tín hiệu thị trường.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm được NHNN báo cáo là 7,33%, tương đương cùng kỳ năm 2018, trong bối cảnh NHNN đã kiểm soát tín dụng vào bất động sản, thị trường chứng khoán… có thể xem tín dụng đang chạy khá nhanh không?

Năm ngoái, chúng ta có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong mấy năm gần đây, cả năm 2018 chúng ta kiểm soát để tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Năm nay, chúng ta tiếp tục giữ đà tăng trưởng tín dụng ở mức 14 – 15%. Do đó, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,33% là chấp nhận được.

Vấn đề quan trọng là với mức tăng trưởng tín dụng 7,33% như vậy nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì với tốc độ cao (chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do năm 2018 có sự đột biến khi so sánh cùng kỳ kể từ năm 2008 đến nay).

Mặc dù dư nợ tín dụng đang được kiểm soát, tuy nhiên NHNN nên tăng cường giám sát chất lượng tín dụng để tránh những rủi ro như thời kỳ trước đây khiến chúng ta đã phải tốn rất nhiều công sức để xử lý nợ xấu. NHNN kiểm soát dư nợ của các NHTM để tránh những trường hợp cho vay biến tướng làm dẫn đến nợ xấu. Đây là điều Ngân hàng Trung ương các nước đang làm.

“Năm 2019 tỷ giá VND/USD giao động quanh mức 1 - 2% là quá mức rồi” - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu tăng trưởng tín dụng, ngoài trừ năm 2011 từ nguồn tổng hợp, các kỳ còn lại báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Mỹ đang rất quan tâm đến xuất khẩu của Việt Nam...

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị tổn thương, có ý kiến cho rằng, năm 2019, VND nếu mất giá 4% thì mới hỗ trợ được xuất khẩu. Đến cuối tháng 6/2019, tỷ giá trung tâm điều chỉnh khoảng 1%, tỷ giá VND/USD thực tế biến động khoảng 0,3 – 0,4%. Ông có đồng tình với ý kiến nói trên không? Vì sao?

Có thể nói việc điều hành tỷ giá VND/USD của NHNN từ năm 2012 đến nay khá tốt. Điều hành tỷ giá VND/USD khá linh hoạt, đạt được các mục tiêu: nâng cao giá trị đồng bản tệ, vừa hỗ trợ xuất khẩu.

Cán cân thương mại của chúng ta trước đây luôn nhập siêu trong nhiều năm nhưng từ năm 2012 đến nay, cụm từ “xuất siêu” đã xuất hiện ở Việt Nam, từ đó góp phần thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam, dù cho điều hành tỷ giá chỉ để tỷ giá biến động ở mức 1-2%.

Thêm nữa, trong giai đoạn hiện nay kể cả về lý thuyết và thực tiễn, tỷ giá VND/USD cũng không biến động lớn được, chỉ giao động quanh mức 1% - 2% trong năm 2019 là quá mức rồi. Bởi vì chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ đang ở mức thấp, khoảng 0,8% (hiện lạm phát của Mỹ đang là 1,8%, của Việt Nam là 2,6%, chênh lệch chỉ 0,8%). Nếu điều hành theo chênh lệch lạm phát thì tỷ giá VND/USD biến động khoảng 0,8%.

Theo thực tiễn, cung cầu tiền tệ mới quyết định tỷ giá. Cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam đang lớn, NHNN đang phải mua vào ngoại tệ để VND không lên giá, tránh trường hợp USD giảm giá sâu. Cung USD đang tăng lên nhiều, nên đồng USD không thể tăng giá so với đồng VND và vì vậy phải phá đồng VND đến 4% là điều không có cơ sở. Vì vậy, chúng ta giữ được mục tiêu ổn định tỷ giá đã là thành công.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ước đạt hơn 27,5 tỷ USD, tăng trưởng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái; thặng dư thương mại Việt Nam – Mỹ ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ (6 tháng đầu 2018 Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 15,5 tỷ USD). Như vậy, cán cân thương mại Việt Nam thặng dư và tăng rất cao đã gây chú ý cho phía Mỹ.

Chúng ta cũng biết, Mỹ đang rất quan tâm đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có sự tăng trưởng đột biến. Mỹ có nghi ngờ việc các nhà xuất khẩu các nước lấy xuất xứ Việt Nam để xuất vào Mỹ để né thuế.

Chính phủ Việt Nam đã giao cho các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương giám sát ở cửa khẩu, nhập khẩu hàng hóa để tránh tình trạng hàng nhập về Việt Nam sau đó đổi nhãn mác và đem xuất khẩu sang Mỹ để né thuế, sẽ khiến Mỹ phạt nặng qua đó ảnh hưởng đến các ngành hàng khác của Việt Nam.

Ông dự báo, đánh giá trong 6 tháng tới, yếu tố quốc tế nào có thể tác động mạnh đến chính sách tiền tệ Việt Nam?

Tình hình quốc tế hiện nay đang diễn biến phức tạp và khó lường, khó đưa ra dự báo chính xác. Ngay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 3 - 4 tháng thay đổi các dự báo một lần.

Hiện nay, theo tôi biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có gia tăng hay không sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam. Hiện Mỹ và Trung Quốc đang “ngồi lại” với nhau. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ Trung nổi sóng trở lại, sẽ tác động đến đồng CNY và USD, qua đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Biến thứ hai là xung đột ở vùng Vịnh Ba Tư, Oman. Nếu xảy ra các sự cố lớn tại đây sẽ tác động đến giá dầu thế giới, khi đó, nó sẽ tác động đến giá xăng dầu của Việt Nam và điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo mục tiêu lạm phát là hết sức thách thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại