Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), năm 2018 đang trên đà trở thành năm nóng thứ tư trong lịch sử. Ba năm nóng liên tiếp trước đó rơi vào năm 2015, 2016 và 2017.
Michael Mann, một nhà khoa học khí hậu và giám đốc thuộc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học Penn State tiết lộ với kênh CNN: "Các tác động của biến đổi khí hậu đang ngày một rõ ràng hơn. Chúng ta đang thấy chúng xuất hiện trong thực tế. Đó là những sóng nhiệt khủng khiếp, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng. Tất cả đều hiển hiện ngay trong mùa hè này".
Không chỉ là thời tiết cực đoạn, biến đổi khí hậu còn thể hiện rõ nhất qua sự gia tăng nhiệt độ trung bình qua từng năm.
Khu vực Đông Bắc Á và Châu Âu đang phải trải qua những ngày hè như thiêu như đốt. Ở một số quốc gia đã quen với khí hậu ôn hòa, quanh năm không quá 25 độ C như ở Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,…nay đang phải chịu cảnh nắng nóng như các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của Đại học Bristol, Vương quốc Anh, người dân Châu Âu nhiều khả năng sẽ phải làm quen với khí hậu nhiệt đới giống như cách đây hơn 50 triệu năm nếu lượng CO2 không giảm đi.
Điều đáng nói là các sóng nhiệt ở những khu vực trên chưa có dấu hiệu suy giảm và người dân tại nhiều nước sẽ tiếp tục phải sống chung với mức nhiệt độ cao có thể lên tới trên 40 độ C. Nắng nóng không chỉ khiến nhiều người, đặc biệt là người già, sức đề kháng yếu chết mà còn gián tiếp gây cháy rừng, thiệt hại tới nông nghiệp.
Theo NOAA, đặc trưng khí hậu trong nửa đầu năm 2018 là nhiệt độ cao cả ở trên bề mặt đất liền lẫn đại dương. Nhiệt độ cao kỷ lục đã ghi nhận tại một số vùng biển như Địa Trung Hải, xung quanh New Zealand, một phần Bắc Mỹ, Châu Á, Úc,…
Nhiệt độ trung bình bề mặt đất và đại dương trên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 1-tháng 6 là 0,77 độ C, trên mức trung bình của thế kỷ 20 và là mức cao thứ tư kể từ khi bắt đầu đo dữ liệu vào năm 1880. Thậm chí mức nhiệt độ toàn cầu trên đất liền đã đạt trên 1,19 độ C và đại dương là 0,6 độ C trong cùng kỳ.
Có tới 5 trong 6 lục địa ghi nhận nhiệt độ trong giai đoạn tháng 1 tới tháng 6 ấm nhất trong lịch sử. Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương có mức nhiệt độ trong 6 tháng đầu năm xếp hạng cao nhất.
Caroline Rance, một nhà vận động khí hậu thuộc tổ chức Friends of the Earth Scotland khẳng định:
"Không còn nghi ngờ gì về thiên tai lũ lụt và nhiệt độ cực đoan kéo dài nữa. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra trên khắp thế giới ngay lúc này. Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu đang liên tục bị phá vỡ và đúng như cảnh báo của giới khoa học, đây là hậu quả mà con người phải gánh chịu".
Có lẽ thật khó để tìm ra lối thoát cho cả nhân loại nếu như đà phát thải CO2 và các loại khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng như hiện nay. Tự nhiên đang bắt đầu trả lại những gì phải gánh chịu và con người nếu muốn sống hoà thuận với mẹ Trái Đất, tốt nhất hãy học cách bảo vệ tự nhiên và đối phó với biến đổi khí hậu. Nhưng trên hết vẫn là giảm tối đa lượng CO2 thải vào khí quyển.