Theo dự thảo báo cáo tổng kết năm 2018, Bộ Nội vụ cho biết, đã báo cáo Bộ Chính trị về việc ban hành các quy định về số lượng biên chế tối thiểu , số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức thuộc hệ thống tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương; quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Cũng theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế.
Số liệu mới nhất, tính đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người.
Trong số đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là: 1.698 người; các cơ quan hành chính 4.826 người; khối đơn vị sự nghiệp công lập 27.547 người (chiếm 68%); cán bộ, công chức cấp xã 6.213 người; doanh nghiệp nhà nước 200 người…
Tuy nhiên, trong năm qua vẫn có một số địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức để bố trí cán bộ chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Về công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, theo Bộ Nội vụ, ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân.
Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính tuy đã được tăng cường nhưng còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một số cơ quan, đơn vị còn thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ.
Bộ Nội vụ cho rằng, việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa bảo đảm đúng thực chất, còn nể nang, dĩ hòa vi quý.
Việc xử lý đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm có nơi, có lúc chưa nghiêm; chưa kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm, năng lực yếu kém.
Nhiệm vụ trong năm 2019, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tổ chức thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý.
Đồng thời hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ. Bên cạnh đó sẽ xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính…