Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc

DINK |

Còn bài tập nào sáng tạo hơn là tìm cách giải quyết vấn đề hiện hữu tại một hành tinh xa lạ áp đặt những luật lệ riêng?

Mùa thu năm 1951, một nhóm sinh viên MIT nhận một cơ số các tài liệu "mật", bao gồm lá thư được gửi từ một hành tinh cách chúng ta 30 năm ánh sáng. Mốc thời gian trên số tài liệu mật ghi rằng đây là sự kiện xảy ra trong 1000 năm nữa, mô tả chi tiết việc khám phá ra sự sống có trí khôn trên một hành tinh có tên Arcturus IV và những gì con người biết về giống loài ngoài hành tinh xa lạ.

Cư dân của Arcturus IV được gọi là loài Methanian, họ có vẻ ngoài khác xa con người. Là hậu duệ của chim, giống Methanian có ba mắt và cơ thể phủ lông vũ; họ sinh sống trên một hành tinh mang một bầu khí quyển giàu methane và lực hấp dẫn mạnh gấp 11 lần Trái Đất - hành tinh lúc bấy giờ đã có cái tên mới là “Terra”.

Hành tinh Arcturus IV có áp suất lớn, nhiệt độ trung bình bề mặt luôn ở ngưỡng -100°C khiến loài Methanian không thể di chuyển nhanh được, họ phải dùng cánh tay dài với 3 vuốt sắc để cân bằng cơ thể. Độ trễ 2 giây giữa tín hiệu não và chuyển động tay khiến Methanian không thể phản ứng nhanh được.

Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 1.

Tài liệu "mật" mô tả cơ thể loài Methanian.

So với con người, Methanian có khả năng nghe nhìn siêu phàm, giọng mang nhiều cao độ và thậm chí, họ có cả khả năng nhìn xuyên thấu vật thể nhờ tác dụng của mắt phóng tia X. Methanian uống amoniac thay nước, có thể thi triển khả năng ngoại cảm giới hạn khi bị áp bức. Họ sở hữu công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến, tuy nhiên mặt bằng công nghệ chung lại kém hơn loài người.

Theo tài liệu của Liên đoàn Giao thương Thiên hà Massachusetts, hành tinh Arcturus IV là thị trường lý tưởng để các nhà thiết kế, kỹ sư trẻ sinh sống tại Terra trổ tài. Thế là Dự án Dishpan ra đời, nhằm tạo nên những vật dụng tiện lợi cho giống loài Methanian kỳ lạ.

Trong khoảng thời gian 3 tuần, những sinh viên theo học lớp Thiết kế sản phẩm do ông John E. Arnold giảng dạy đắm mình trong vũ trụ khoa học giả tưởng của loài Methanian; mục đích của nhóm sinh viên là đối mặt với những thử thách kỹ thuật chưa từng hiện hữu trên Trái Đất.

Với sự trợ giúp của Cộng đồng Khoa học Giả tưởng MIT, bài tập của John Arnold bao gồm cả những bản tóm tắt các phát kiến khoa học, những đánh giá liên quan tới điều kiện thể chất và tâm lý của loài sinh vật kỳ bí, những báo cáo về điều kiện tự nhiên trên Arcturus IV và những phân tích thị trường trên hành tinh lạ.

Dù những tài liệu này đều mang tính giả tưởng, bài tập cho sinh viên lại là thật. Thiết kế phải tối ưu cho loài Methanian, được tạo ra bằng vật liệu và cách thức chế tác của Trái Đất và phải hoạt động được trong điều kiện vật lý của hệ sao Arcturus. Khi “dã ngoại trên hành tinh lạ”, các sinh viên đối mặt với những câu hỏi cơ bản nhất của thiết kế và cơ chế hoạt động của máy móc, phải tìm cách cho chúng hoạt động trong một môi trường hoàn toàn mới.

Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 2.

Ghế cho Methanian.

Bằng dự án buộc các sinh viên phải mở rộng suy nghĩ, John Arnold mong muốn tăng cường trí tưởng tượng cho nhóm nghiên cứu, đồng thời mở rộng khả năng ứng dụng kiến thức vào những thử thách các em gặp phải. Ông trực tiếp công kích định kiến cho rằng sáng tạo là bẩm sinh, không thể phát triển theo thời gian.

Trong nội dung giảng dạy ở trường nghề, không có nhiều chỗ ứng dụng được khả năng tư duy và suy đoán, vậy mà chúng vẫn là nền tảng tạo nên phần lớn những tiến bộ khoa học của chúng ta”, giáo sư Arnold viết trong bài công bố bài giảng/bài tập cho sinh viên liên quan tới loài Methanian của mình hồi năm 1952.

Phương pháp dạy độc đáo của ông Arnold, vốn bị một số chuyên gia cho là chiêu trò gây danh tiếng, có lẽ tới từ chặng đường khác thường mà ông phải trải qua để trở thành một kỹ sư. Sau khi theo tốt nghiệp có bằng tâm lý cấp đại học, ông Arnold đối diện với thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế. Thiếu thốn việc làm, Arnold phải làm gác đêm tại một nhà máy sản xuất dầu, và đây là nơi ông bắt đầu tự học nghề kỹ sư và thiết kế thông qua đọc các báo cáo để trên mặt bàn chủ tịch công ty.

Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 3.

John E. Arnold.

Có được vốn kiến thức về kỹ thuật, ông Arnold trở thành người đồng sở hữu một cửa hàng sửa chữa ô tô nhỏ, cố gắng học nghề thợ máy, chuyển qua công tác tại nhà máy sản xuất máy móc công nghiệp và tại đây, ông nhanh chóng trở thành một nhà thiết kế. Arnold tiếp tục theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), có được bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật cơ khí vào năm 1940 và hai năm sau, ông trở lại MIT làm giảng viên.

Phương pháp giảng dạy của Arnold khác hẳn những khóa học đã quen thuộc với các các sinh viên MIT. Ví dụ, để ứng phó với vấn đề nha khoa ông đang mắc phải, Arnold thách thức các sinh viên trong lớp Thiết kế Sản phẩm, yêu cầu các em làm việc với các nhà nghiên cứu chuyên môn tới từ các trường đào tạo nha sĩ để tạo ra một thiết bị đặc biệt: có thể đo đạc độ “lỏng lẻo” của một chiếc răng sau quá trình chữa lợi.

Những phản hồi tích cực từ phía học sinh đã hối thúc ông thiết kế lại quy trình giảng dạy tại lớp Kỹ thuật Sáng tạo, đồng thời mở rộng các khóa đào tạo thiết kế tại Viện.

Những công trình sáng tạo xuất xứ từ đôi bàn tay các em sinh viên sẽ được bảo trợ bởi Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Sáng tạo do ông Arnold thành lập. Tại đây, sinh viên sẽ được học về những khái niệm tâm lý, marketing thuộc về thiết kế, bên cạnh đó là những vấn đề phức tạp yêu cầu sức suy luận của một kỹ sư.

Ông cố gắng hướng các em trở thành “những tín đồ tuân thủ quy tắc tích cực”. Tất cả mọi ý tưởng “trên trời” đều được hoan nghênh.

John Arnold khuyến khích học trò nghe theo lời khuyên của Alex Osborn, cha đẻ của phương pháp giải quyết vấn đề có tên“brainstorm”: “Quá trình lược bớt một ý tưởng hoang dại dễ hơn nhiều nỗ lực cải thiện một ý tưởng nhàm chán. Bạn có hàng triệu những mạch điện tiềm năng trong não cơ mà - cố kích hoạt chúng càng nhiều càng tốt, đừng để lương tâm hay óc phán xét lên tiếng nói ‘không’ trước cả khi ý tưởng hình thành hoặc tái hình hành”.

Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 4.

Một thiết kế ghế khác cho Methanian.

Và được mấy bài tập có khả năng thử thách giới hạn của trí tưởng tượng cao hơn việc đưa sinh viên tới một thế giới ngoài hành tinh quái lạ? Khi ông Arnold công bố dự án Arcturus của mình hồi năm 1951, bài luyện não này sớm lan rộng tới những dự án thiết kế sản phẩm gia dụng, giải quyết vấn đề trong giao thông và nông nghiệp.

Các sinh viên thiết kế sản phẩm trên giấy, thậm chí đã có người bắt tay vào chế tạo thử những công cụ ngoài hành tinh; họ tạo ra một chiếc đồng hồ tính giờ cho ngày dài 159 tiếng (dựa trên đơn vị tính thời gian của loài Methanian và hệ đếm cơ số 6), một loại búa khí nén để giã vụn đá núi lửa có trong trang trại ngầm dưới lòng đất - nơi cây cối mọc ngược từ trên trần xuống, một phương tiện di chuyển có tên Eggomobile có tốc độ tối đa gần 13 km/h, chiếc xe có hình quả trứng vừa tối ưu được khả năng bảo vệ “sinh vật sử dụng”, lại vừa khiến loài Methanian quen thuộc với “vỏ bọc bảo vệ ưa thích của họ trước thời điểm nở ra đời”.

Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 5.
Năm 1951, một nhóm sinh viên nhận bài tập về nhà lạ lùng: Thiết kế sản phẩm cho một chủng tộc ngoài hành tinh có gốc gác chim chóc - Ảnh 6.

Thiết kế xe nôi đựng trứng.

Dù dự án Arcturus chỉ là một phần nhỏ trong bài giảng của John Arnold, trong khi những bài tập khác tập trung vào việc tái tưởng tượng những thứ được ông gọi là “thiết kế tầm thường, trần tục” (ví dụ như toa tàu chở hàng), loài Methanian lôi kéo được sự chú ý của giới truyền thông và ngành thiết kế.

Bên cạnh việc giảng dạy tại MIT, John Arnold tham gia những hội nghị chuyên đề hàng đầu về thiết kế, mang loài Methanian kỳ lạ tới diện kiến những tổ chức lớn. Với sự giúp đỡ của ông Arnold, General Motors thành lập chương trình thiết kế sáng tạo của riêng mình.

Đến năm 1957, khi John Arnold có trong tay bằng giáo sư do Đại học Stanford cung cấp, ông đã nhiều lần đứng bục giảng cùng những huyền thoại ngành thiết kế, những nhà phát minh và những nhà tâm lý học hàng đầu. Học trò của ông thành công trong nhiều lĩnh vực thiết kế, từ thiết bị y tế, thiết bị tiện lợi cho tới chế tác xe hơi.

Năm 1963, John Arnold qua đời tại Ý sau một cơn đau tim, thọ 50 tuổi. Dù ông sớm ra đi, những giá trị ông để lại cho giáo dục và sáng tạo vẫn còn tiếng vang cho tới ngày nay. Đôi bàn tay khéo léo của John Arnold đã đặt viên gạch nền móng cho “design thinking”, cách thức giải quyết vấn đề trong kỹ thuật, thiết kế thông qua hiểu khách hàng, đối đầu với giả định, định nghĩa lại vấn đề để hiểu và giải quyết vấn đề khó.

Như Raymond Pittman, học trò của John Arnold, viết trong luận văn của mình, anh cô đọng triết lý thiết kế của người thầy đáng kính: “Nhiều yếu tố vốn ‘hiển nhiên’ lại bị bỏ ngỏ bởi các ‘chuyên gia’ hay những người đã quá quen với sản phẩm. Để tôi trích lời Giáo sư John Arnold, ‘Tôi không tin một người phải là kẻ nghiệp dư thì mới tìm được cách đổi mới, nhưng có lẽ đúng là anh ta phải nghĩ như một kẻ nghiệp dư thì mới làm được”.

Tham khảo MIT Technology Review

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại