"Nã" hàng nghìn cuộc gọi, Trung Quốc phản ứng đỉnh điểm, Nhật cảnh báo nóng

Minh Khôi |

Nhật Bản khuyến cáo công dân ở Trung Quốc tránh nói to bằng tiếng Nhật khi căng thẳng leo thang liên quan đến vụ xả nước từ nhà máy hạt nhân.

Các công ty của Nhật đã nhận được hàng nghìn cuộc gọi trong khi một số trường học Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị ném đá và trứng, theo tờ Asahi.

Nã hàng nghìn cuộc gọi, Trung Quốc phản ứng đỉnh điểm, Nhật cảnh báo nóng - Ảnh 1.

Theo các quan chức chính phủ Nhật Bản, một người đàn ông Trung Quốc đã bị bắt giữ vì ném đá vào trường học dành cho trẻ em Nhật Bản ở Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông, vào tối ngày 24/8.

Sáng 25/8, các quan chức tại một trường học Nhật Bản khác ở Tô Châu, phía tây Thượng Hải, cũng bị ném trứng. Không có thương tích hoặc thiệt hại về tài sản được ghi nhận trong hai vụ việc này.

Trong khi Nhật Bản khẳng định nước đã qua xử lý là an toàn - quan điểm được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc ủng hộ, Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối việc xả thải và cấm tất cả thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản hôm Chủ nhật công bố dữ liệu mới cho thấy mức độ phóng xạ ở vùng biển ngoài khơi Fukushima tiếp tục nằm trong giới hạn an toàn.

Bắc Kinh gọi quyết định xả nước là "ích kỷ" và có hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người.

Các doanh nghiệp và tập đoàn Nhật Bản cho biết họ bắt đầu nhận được quá nhiều cuộc gọi từ những người nói tiếng Trung Quốc đến mức gặp khó khăn khi tiến hành các hoạt động bình thường.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Masataka Okano đã trao đổi với Đại sứ Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các cuộc gọi cũng diễn ra tại các chi nhánh của Nhật Bản ở Trung Quốc và kêu gọi chính phủ nhanh chóng có hành động thích hợp và đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản.

Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, mô tả các cuộc gọi này là "cực kỳ đáng tiếc".

Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh đã kêu gọi công dân nước này ở Trung Quốc thận trọng như không nói lớn tiếng Nhật một cách không cần thiết, Đại sứ quán cho biết trong một thông báo.

Một doanh nhân ở Fukushima nói với hãng tin Kyodo rằng 4 nhà hàng và cửa hàng bánh ngọt của ông đã nhận được tổng cộng khoảng 1.000 cuộc gọi vào thứ Sáu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Căng thẳng gia tăng về vấn đề này đe dọa mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Các bài viết về tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan truyền rộng rãi hơn trên mạng xã hội Trung Quốc. Một bài đăng trên Weibo, một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất đất nước, liệt kê các thương hiệu và lựa chọn thay thế cho hàng hóa Nhật Bản thu hút hơn 25.000 lượt "thích" kể từ ngày 24/8.

Ngành đánh bắt cá của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng sau khi chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đối với thủy sản của nước này để đáp trả quyết định xả nước thải từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương.

Theo thống kê, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản Nhật Bản với kim ngạch 87,1 tỷ Yên (600 triệu USD) vào năm ngoái. Các sản phẩm phổ biến nhất là sò điệp, cá ngừ, nhím biển, cá hồng và hải sâm...

Kazuma Kishikawa, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, cho biết một nửa xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản là sang thị trường Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc), và ngư dân sẽ mất 50% doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Đây sẽ là một "đòn đáng kể", ông nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại