Myanmar: Căng thẳng gia tăng sau đảo chính

Cao Lực |

Khủng hoảng chính trị Myanmar là một trong những thách thức đầu tiên đối với cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Xe quân sự Myanmar di chuyển trên đường phố Mandalay hôm 2-2, một ngày sau cuộc đảo chính giành quyền kiểm soát đất nướcẢnh: REUTERS

Xe quân sự Myanmar di chuyển trên đường phố Mandalay hôm 2-2, một ngày sau cuộc đảo chính giành quyền kiểm soát đất nướcẢnh: REUTERS

Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền hôm 2-2 yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar trả tự do "ngay lập tức" cho lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng tất cả những người bị bắt giam trong cuộc đảo chính gây phẫn nộ vừa qua. Trong tuyên bố được đăng tải lên mạng xã hội Facebook, NLD còn kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11-2020 để phiên họp đầu tiên của quốc hội khóa mới có thể được tiến hành.

Cùng ngày, hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn nguồn tin mật cho biết phần lớn các nhà lãnh đạo địa phương và bang bị bắt giữ đã được phóng thích. "Tôi lo lắng cho tương lai đất nước. Chúng tôi từng hy vọng về điều tốt đẹp nhất nhưng giờ đây, điều tồi tệ nhất đang xảy ra" - Thủ hiến vùng Sagaing, ông Myint Naing, chia sẻ với BBC sau khi được trả tự do.

Bất ổn chính trị nổ ra hôm 1-2 khi quân đội Myanmar tiến hành đợt bắt giữ quy mô lớn để phản ứng với điều họ khẳng định là "gian lận bầu cử", đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm và trao quyền điều hành đất nước cho Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing. Trong một động thái nhằm củng cố quyền lực, chính quyền quân sự Myanmar sa thải 24 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính quyền của bà Suu Kyi, đồng thời chỉ định 11 quan chức thay thế trong chính quyền mới.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cùng cộng đồng quốc tế - trong đó có Úc, khối Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Nhật Bản, đã lên tiếng chỉ trích những bước đi nêu trên. Về phần mình, Tổng thống Biden mô tả hành động của quân đội Myanmar là "một cuộc tấn công trực tiếp" nhằm vào quá trình chuyển giao dân chủ cũng như quy tắc pháp luật của nước này.

"Chúng tôi sẽ làm việc với đối tác trong khu vực và trên toàn thế giới để hỗ trợ khôi phục dân chủ và quy tắc pháp luật, cũng như để trừng phạt những kẻ chống phá tiến trình khôi phục dân chủ của Myanmar" - Tổng thống Biden tuyên bố hôm 2-2. Ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa tái áp đặt các biện pháp trừng phạt từng được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ sau khi quân đội Myanmar khởi xướng cải cách dân chủ và phóng thích nhiều tù nhân chính trị cách đây 10 năm.

Theo Reuters, khủng hoảng chính trị Myanmar là một trong những thách thức đầu tiên đối với cam kết của Tổng thống Biden về việc tăng cường hợp tác với đồng minh để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việc "bóp ngạt kinh tế" Myanmar giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành sẽ gây thêm tổn thất đối với người dân nước này. Liệu Tổng thống Biden có thể hợp tác cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và các nước ASEAN để giảm thiểu hệ quả tiêu cực của cuộc đảo chính hay không? Liệu ông chủ Nhà Trắng sẽ hành động quyết liệt để thực hiện cam kết khôi phục dân chủ toàn cầu, hay để mở các kênh liên lạc với giới chức quân sự Myanmar như một phần của chiến lược địa chính trị chống lại tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Bắc Kinh không tham gia chỉ trích, chỉ gọi Myanmar là "nước láng giềng thân thiện", đồng thời kêu gọi các bên giải quyết bất đồng một cách phù hợp. Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai của Myanmar chỉ sau Singapore, với 21,5 tỉ USD vốn nước ngoài được phê duyệt. Theo Bloomberg, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Myanmar - cao hơn khoảng 10 lần so với Mỹ.

Lựa chọn nào cho Tổng thống Joe Biden?

Tổng thống Joe Biden có thể công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Myanmar để thực hiện cam kết khôi phục dân chủ, cựu cố vấn cấp cao về chương trình trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ Peter Kucik khẳng định. Dù vậy, theo một nguồn thạo tin, nước đi này có thể vấp phải sự phản đối của một số doanh nghiệp Mỹ muốn duy trì quan hệ kinh tế cởi mở với Myanmar. Các nhà đầu tư sẽ ủng hộ lệnh trừng phạt nhằm vào các mục tiêu cụ thể hơn liên quan đến cuộc đảo chính và những quan chức cấp cao được bổ nhiệm sau cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, một số cựu quan chức và chuyên gia cho rằng Mỹ có "lực đòn bẩy hạn chế" với các tướng lĩnh Myanmar lên nắm quyền, những người có quan hệ với các công ty địa phương hùng mạnh nhưng có ít lợi ích ở nước ngoài để có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại