Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/8 cho biết đang xem xét báo cáo liên quan đến việc có thông tin cho rằng, có một chiếc trực thăng đã thả khí độc xuống khu vực gần nơi chiếc trực thăng Mi-8 của Nga bị rơi ở một thị trấn ở phía Tây Nam Syria ngày 1/8 vừa qua.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, nếu thông tin là có thật thì sẽ là “cực kỳ nghiêm trọng” bởi đây là khu vực do phiến quân kiểm soát.
“Hiện chúng tôi chưa thể xác minh được tính xác thực của báo cáo. Chúng tôi đang có gắng xem xét kỹ các thông tin. Nếu đó là sự thật, có nghĩa là khí độc được sử dụng tại khu vực do phiến quân kiểm soát thì điều này là vô cùng nghiêm trọng.
Từ trước đến nay, chúng tôi luôn lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân, dù đó là khu vực chiến sự. Bởi điều đó đã vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm Công ước về vũ khí hóa học trong đó chính phủ Syria đã tham gia ký kết cũng như hai nghị quyết 2118 và 2209 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Kirby nói.
Trước đó cùng ngày, một tổ chức nhân đạo ở Syria hoạt động trong khu vực của quân nổi dậy thông báo, đêm 1/8 một trực thăng đã thả nhiều thùng khí độc vào ban đêm gần nơi chiếc trực thăng chiến đấu Mi-8 của Nga bị bắn rơi vài tiếng trước đó.
Theo tổ chức này, ít nhất 33 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi khí độc thả xuống làng Sarahqed, tỉnh Idlib.
Các nhân viên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng xác nhận thông tin nêu trên, đồng thời cho rằng, khí độc được sử dụng có thể là clo.
Liên Hợp Quốc cho biết, trong cuộc nội chiến tại Syria khí độc đã được sử dụng nhiều lần làm chết dân thường, nghiêm trọng nhất là cuộc tấn công bằng khí Sarin hồi tháng 8/2013.
Đến nay, cả chính phủ Syria và quân nổi dậy đều cương quyết phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh./.