Mỹ và Nga lên tiếng về việc Israel không kích mục tiêu Hezbollah ở thủ đô của Liban

Thành Nam |

Sau khi Israel không kích mục tiêu Hezbollah ở thủ đô Beirut của Liban vào tối 30/7, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ và Nga đều đã lên tiếng.

Mỹ và Nga lên tiếng về việc Israel không kích mục tiêu Hezbollah ở thủ đô của Liban- Ảnh 1.

Khói bốc lên sau một vụ không kích của Israel xuống thành phố Tayr Harfa, miền Nam Liban ngày 12/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc tấn công của Israel nhằm vào mục tiêu Hezbollah ở thủ đô Beirut của Liban vào tối 30/7 đã khiến các đồng minh của Liban tức giận và Ngoại trưởng nước này đã kêu gọi quốc tế phản ứng đối với cuộc tấn công.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt chiến dịch tranh cử - cho rằng Israel có quyền tự vệ và bà ủng hộ quyền được duy trì an ninh và bảo vệ an ninh của Israel.

Phát biểu với các phóng viên sau khi đến Atlanta để tham gia một cuộc vận động tranh cử, bà Harris nói: "Tôi muốn đề cập đến những gì đã xảy ra trong vài giờ qua liên quan đến Trung Đông và nói rõ rằng Israel có quyền tự vệ. Và tôi hoàn toàn ủng hộ quyền được duy trì an ninh và bảo vệ an ninh của Israel”.

Bà Harris nói thêm: "Điều chúng ta biết cụ thể là, đúng, họ có quyền tự vệ trước tổ chức khủng bố, đó chính xác là Hezbollah. Nhưng mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải tìm ra giải pháp ngoại giao để chấm dứt các cuộc tấn công này. Chúng ta sẽ tiếp tục làm công việc đó".

Xem video Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt chiến dịch tranh cử - nói rằng Israel có quyền tự vệ và bà ủng hộ quyền được duy trì an ninh và bảo vệ an ninh của Israel. Nguồn: Reuters

Về phần mình, khi trả lời các câu hỏi về vụ tấn công ngày 30/7 của Israel, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Washington không cho rằng chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel là điều không thể tránh khỏi.

Bà Jean-Pierre bổ sung rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định có thể tránh nguy cơ này bằng một giải pháp ngoại giao.

Đối với Mátxcơva, hãng thông tấn nhà nước TASS của Liên bang Nga dẫn lời của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut của Liban là "một hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Về phía Liên hợp quốc, ngày 30/7, Điều phối viên đặc biệt về Liban của tổ chức đa phương này, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, đã bày tỏ lo ngại về cuộc không kích do Israel thực hiện ở vùng ngoại ô đông dân phía Nam thủ đô Beirut, dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường.

Trong một tuyên bố, bà Hennis-Plasschaert một lần nữa nhấn mạnh rằng không có giải pháp quân sự nào có thể giúp giải quyết xung đột hiện nay, đồng thời kêu gọi cả Israel và Liban tận dụng mọi con đường ngoại giao, để theo đuổi việc chấm dứt thù địch và tái cam kết thực hiện nghị quyết 1701 (năm 2006) của Liên hợp quốc.

Bà Hennis-Plasschaert cũng cho biết đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác đối thoại chính và kêu gọi các bên kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Xem video khói bốc lên ở Beirut, nơi bị Isreal không kích để tiêu diệt chỉ huy cấp cao của Hezbollah. Nguồn: Reuters

Vào khoảng 19h40, theo giờ địa phương, Israel đã tấn công nhằm vào chỉ huy Hezbollah Muhsin Shukr với mục tiêu là khu phố Haret Hreik nằm gần Hội đồng Shura của Hezbollah, cơ quan ra quyết định của phong trào này.

Một nửa số tòa nhà bị nhắm mục tiêu trong khu phố đông dân cư đã sụp đổ và một bệnh viện gần đó hư hại nhẹ. Các con phố xung quanh ngổn ngang mảnh vỡ và kính vỡ khi xe cứu thương chạy đến hiện trường.

Theo Bộ Y tế Liban, có ba người, trong đó có hai trẻ em, đã thiệt mạng và 74 người khác bị thương trong cuộc không kích. Các nguồn tin của Hezbollah cho biết chỉ huy Muhsin Shukr đã sống sót sau vụ tấn công.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant lại nhấn mạnh rằng cuộc không kích đã giết chết chỉ huy Fuad Shukr và "không có nơi nào ngoài tầm với" của lực lượng Israel trong cuộc không kích trả đũa này.

Đây là cố vấn cấp cao của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, đóng vai trò chỉ huy dự án tên lửa chính xác của lực lượng này và là người bị Mỹ truy nã vì vai trò trong vụ đánh bom doanh trại Thủy quân lục chiến ở Beirut năm 1983.

Vụ tấn công của Israel diễn ra ba ngày sau một cuộc tấn công vào làng Majdal Shams ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát khiến 12 người thiệt mạng, 29 người bị thương.

Chính quyền Israel đổ lỗi cho Liban và Hezbollah về vụ việc, khẳng định sẽ có phản ứng cứng rắn. Hezbollah phủ nhận trách nhiệm trong vụ việc này.

Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết phân tích của họ cho thấy tên lửa phóng vào Majdal Shams xuất phát từ một khu vực nằm ở miền Nam Liban. Người phát ngôn của IDF đánh giá Hezbollah đã nói dối khi phủ nhận đứng sau vụ tấn công.

Tình hình biên giới Israel-Liban trở nên tồi tệ hơn sau khi Israel phát động chiến dịch quân sự tại Dải Gaza vào tháng 10/2023. Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah đấu súng gần như hàng ngày tại các khu vực dọc biên giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại