Vấn đề này nằm trong chương trình cuộc họp cấp ngoại trưởng vào ngày 16/1 tới do Mỹ và Canada đồng chủ trì tại Vancouver để thảo luận cách thức gia tăng áp lực đối với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đồng chủ trì cuộc họp này với Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland.
Ông Brian Hook, Giám đốc phụ trách kế hoạch chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 11/1 cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác mọi lựa chọn để đẩy mạnh an ninh hàng hải và khả năng chặn các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa từ Triều Tiên và đến Triều Tiên có hỗ trợ chương trình tên lửa hạt nhân hay không".
Mỹ cũng sẽ nêu lên ý tưởng về một lệnh cấm vận hàng hải nhằm thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên.
Ông Hook xác nhận, Trung Quốc và Nga – láng giềng đồng thời là hai nước có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên – không được mời tham dự cuộc họp. Thay vào đó, các nước được mời cử đại diện tới Vancouver là những nước đóng góp binh sĩ hoặc viện trợ cho Liên Hợp Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nga và Trung Quốc sẽ được thông báo kết quả sau khi hội nghị ngoại trưởng tại Vancouver kết thúc.
Việc Trung Quốc và Nga không được mời khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của hội nghị này khi không có sự tham dự những các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, ông Hook cho biết Washington vẫn liên lạc với Bắc Kinh về việc áp đặt trừng phạt và gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Ngoài biên giới với Trung Quốc, giao thông hàng hải cũng là một tuyến tiếp tế quan trọng cho Triều Tiên. Nếu Mỹ và các đồng minh quyết định thực hiện biện pháp ngăn chặn tàu thuyền tới Triều Tiên, Canada có thể sẽ triển khai tàu chiến tới các tiền tuyến ở điểm nóng này.
Với 2 đường bờ biển dài của Triều Tiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu những biện pháp ngăn chặn tàu thuyền có hiệu quả hay không.
Trong khi đó, Triều Tiên từng cảnh báo họ sẽ coi các biện pháp như thế này là một sự khiêu khích nghiêm trọng, và là “hành động chiến tranh”./.