Mỹ ‘tự bắn vào chân’ khi cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc?

KÔNG ANH |

Mỹ tập hợp liên minh cấm xuất khẩu chip, chất bán dẫn sang Trung Quốc song điều này đang gây khó cho chính doanh nghiệp Mỹ.

Mỹ viện dẫn lý do an ninh quốc gia để kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Tuy nhiên, những động thái này có thể khiến doanh nghiệp Mỹ đối mặt với khó khăn vì Trung Quốc là nước tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Kể từ khi Mỹ công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10 năm ngoái nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chip và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Giám đốc điều hành của côn ty Smart Jade - Tom Zhang, ở Thâm Quyến đã gặp khó trong việc tìm nguồn cung và phân phối chip.

Công ty của doanh nhân Tom Zhang trước đây có thể nhập khẩu sản phẩm chip, chất bán dẫn từ Mỹ để bán cho các công ty công nghệ ở Trung Quốc song giờ đây điều này trở nên hết sức khó khăn.

Theo cách nhìn nhận của ông Tom Zhang, cuộc chiến chip đơn giản là việc Mỹ “tìm cớ” để trấn áp lĩnh vực chip Trung Quốc. “Người dẫn đầu không muốn nhường ghế cho người đứng thứ hai", ông Tom Zhang cho biết.

Mỹ cũng đang lôi kéo các đồng minh tham gia hạn chế chip đối với Trung Quốc. Vào tháng 1, truyền thông đưa tin, Hà Lan và Nhật Bản được cho là sẽ tham gia vào các hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liệu Mỹ có ngăn chặn được sự trỗi dậy của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo (AI), siêu máy tính cũng như những tiến bộ quân sự liên quan đến AI của nước này? Hay đó sẽ động lực để Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực trở thành một siêu cường công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng, đối đầu Mỹ - Trung Quốc về công nghệ có thể tác động sâu rộng đối với châu Á, nơi sản xuất phần lớn vi mạch của thế giới.

Theo trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế Đông Á tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - Yongwook Ryu, chip “rất cần thiết” đối với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày như điện thoại thông minh và máy hút bụi...

Theo Ryu Yongwook, Mỹ không quan tâm đến những con chip dùng để sản xuất thiết bị như nồi cơm điện và máy tính. "Tuy nhiên, khi nói đến thiết bị quân sự mới nhất, hệ thống radar mới nhất… trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử - những thứ cần thiết cho nền kinh tế kỹ thuật số tiên tiến nhất, Mỹ muốn hạn chế sự phát triển của Trung Quốc" , ông nói.

Cơ sở Mỹ viện dẫn khi áp đặt cấm vận xuất khẩu chíp sang Trung Quốc là an ninh quốc gia. Trong tháng 3, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Washington cho hay, Mỹ cho rằng có “ mối liên hệ” giữa xuất khẩu chip và công nghệ bán dẫn tiên tiến với “ siêu máy tính quân sự mà Trung Quốc sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng tên lửa hạt nhân tiên tiến”.

Theo chuyên gia phân tích chính sách kinh tế và dữ liệu Jordan Shapiro của Viện Chính sách tiến bộ ở Washington, Bộ Thương mại Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden chỉ ra rằng sự hợp nhất quân sự - dân sự của Trung Quốc đang “tăng tốc”. Hợp nhất quân sự - dân sự đề cập đến việc chuyển giao công nghệ, tài nguyên và thông tin hai chiều giữa các thực thể quân sự và dân sự.

“Có sự tích hợp nhiều hơn giữa sự phát triển công nghệ dân sự và quân sự, điều này đang tạo ra thách thức về an ninh và kinh tế đối với nước Mỹ", chuyên gia Jordan Shapiro cho hay.

Trong khi đó, Ryu Yongwook cho rằng kế hoạch "Made in China 2025" Trung Quốc công bố vào năm 2015, nhằm đạt 70% khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025, đã gửi thông điệp “ báo động” cho Chính phủ Mỹ.

“Mối quan tâm của Mỹ không chỉ là sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, mà còn là tốc độ phát triển công nghệ của Trung Quốc đang diễn ra. Đồng thời, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng”, ông Ryu Yongwook lưu ý.

Mỹ ‘tự bắn vào chân’ khi cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc? - Ảnh 2.

Đối đầu Mỹ - Trung diễn ra gay gắt trên lĩnh vực công nghệ. (Ảnh: Asia Times)

Mỹ siết xuất khẩu

Các biện pháp đối phó của Mỹ đã được mở rộng. Các công ty Mỹ bị cấm cung cấp chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc trừ khi họ nhận được giấy phép đặc biệt. Tuy nhiên, con số này không nhiều.

New York Times đưa tin, các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng sẽ bị cấm bán chip được sử dụng trong AI và siêu máy tính ở Trung Quốc nếu chúng được sản xuất bằng công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Công dân Mỹ và “người nước ngoài thường trú” , bao gồm cả những người có thẻ xanh, không được làm việc hoặc hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc.

“Mỹ đã xác định được khu vực quan trọng có thể gây tổn hại nặng nề cho Trung Quốc. Và Mỹ cũng biết rằng Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để đáp trả", Ryu Yongwook nói.

Theo ông Ryu Yongwook, hiện tại, Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% lượng chip toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất của thế giới. Nhưng nước này chỉ sản xuất khoảng 15% sản lượng toàn cầu.

Theo Ryu Yongwook, Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất chip tiên tiến và sự phụ thuộc của họ vào hàng nhập khẩu từ những nơi như Đài Loan và Hàn Quốc là "100%".

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, mặc dù châu Á, cụ thể là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, sản xuất hơn 70% chip của thế giới, song các công ty Mỹ dẫn đầu thị trường trong các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu.

Hiệp hội về công nghiệp bán dẫn Mỹ năm 2022 cho hay các hoạt động này là tự động hóa thiết kế điện tử và sở hữu trí tuệ cốt lõi (72%), thiết kế chip (49%) và thiết bị sản xuất (42%),

Tháng 8 năm ngoái, Mỹ cũng đã ban hành Đạo luật khoa học và chip, phân bổ 52,7 tỷ USD trong 5 năm cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất chất bán dẫn và phát triển lực lượng lao động trong nước.

Mỹ ‘tự bắn vào chân’ khi cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thực thi chính sách cứng rắn về chip đối với Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Mỹ 'tự bắn vào chân mình'?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi các động thái của Mỹ là nỗ lực nhằm áp đặt " sự phong tỏa công nghệ" đối với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lên án điều khoản trong Đạo luật chip của Mỹ ngăn cản các công ty công nghệ Mỹ nhận tài trợ mở rộng sản xuất chip tiên tiến của họ ở Trung Quốc trong 10 năm.

Ông Wang Huiyao - Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh cho biết: “Thật đáng tiếc khi Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và thực thi cuộc chiến thương mại dưới chính quyền Trump và cuộc chiến chip dưới chính quyền Biden”.

Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Victor Gao cho rằng quyết định cấm xuất khẩu chip, chất bán dẫn sang Trung Quốc là động thái tự làm khó mình, khiến doanh nghiệp Mỹ gặp khó. “Bằng cách tung đòn cứng rắn lên Trung Quốc - quốc gia mua sản phẩm chip lớn nhất thế giới… Mỹ đang huỷ hoại hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của chính mình”, Victor Gao nói.

"Ở một mức độ nào đó, Hà Lan và Nhật Bản không muốn tạo áp lực tối đa với Trung Quốc như Mỹ. Bởi vì, cách duy nhất để phát triển doanh nghiệp bán dẫn… là hợp tác chặt chẽ với khách hàng lớn nhất của họ, đó là Trung Quốc. Khó có thể tối đa hóa lợi ích bằng cách gây sức ép với khách hàng lớn nhất của mình?”, chuyên gia Victor Gao cho biết thêm.

Một số dự báo cho rằng, lệnh cấm chip có thể khiến ngành công nghệ của Trung Quốc thụt lùi hàng thập kỷ. Song có những nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách công nghệ trong dài hạn và độc lập về chất bán dẫn.

Tháng 12 năm ngoái, Reuters trích dẫn nguồn tin cho biết Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (145 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chip.

Mỹ ‘tự bắn vào chân’ khi cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc? - Ảnh 4.

Huawei hứng chịu loạt đòn trừng phạt từ Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Nhiều hệ luỵ

Kể từ năm 2019, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh và công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cắt đứt nguồn cung cấp chip của các công ty nước này cho Huawei.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ tiếp tục cấm các công ty nước này bán thiết bị mới cho Huawei và một số hãng Trung Quốc khác. “ Huawei gần như đã bị loại khỏi thị trường điện thoại thông minh toàn cầu", chuyên gia Ryu Yongwook lưu ý.

Kể từ đó, Huawei đã thay thế hơn 13.000 bộ phận trong các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng 10 năm ngoái, Nikkei Asia đưa tin, sau các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất, Apple đã tạm dừng kế hoạch sử dụng chip từ nhà cung cấp chip lớn của Trung Quốc - Yangtze Memory Technologies (YMTC), trong iPhone của mình.

Theo Financial Times, doanh thu của các nhà sản xuất chip, trong đó có hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chi phí có thể tăng lên đối với các nhà sản xuất phương Tây và khách hàng của họ, vốn sử dụng chip giá rẻ từ Trung Quốc.

Lệnh cấm của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip cũng có ngoại lệ. Theo đó, Washington cấp giấy phép một năm cho Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan và tập đoàn Samsung để tiếp tục đặt hàng thiết bị sản xuất chip của Mỹ cho các cơ sở của họ ở Trung Quốc.

Đối với các công ty xử lý các vi mạch kém tiên tiến hơn như Stats ChipPac ở Singapore - một công ty con của Tập đoàn JCET của Trung Quốc, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

“Các sản phẩm chúng tôi đang sản xuất không phải là những sản phẩm siêu cao cấp. Do đó, những hạn chế của Mỹ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, chúng tôi có một cơ sở khách hàng lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan", Giám đốc điều hành Stats ChipPac, Chiou Lid Jian, cho biết.

Ông Song Lijun cho biết, mặc dù có những rủi ro dài hạn nếu có sự tách rời về công nghệ, nhưng hiện tại Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong cuộc đua bán dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại