Trò chơi quyền lực lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang diễn ra ở những nơi không ai ngờ tới vì những nguyên nhân hầu như không thể định hình được. Hai quốc gia hàng đầu thế giới này đang chiến đấu để giành quyền tối cao trong việc kiểm soát thông tin liên lạc toàn cầu, thông qua các tuyến cáp quang dưới đáy biển, trong cuộc chiến công nghệ mới nhất của họ.
Mỹ-Trung cạnh tranh giành các dự án lắp đặt cáp ngầm
Trong bối cảnh HMN Technologies Co. Limited, một công ty Trung Quốc với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các khoản trợ cấp, nhanh chóng nổi lên như một thế lực lớn trong ngành kinh doanh đặt cáp ngầm, Hoa Kỳ đã sử dụng đòn bẩy của mình với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu để giành lấy chìa khóa dưới đáy biển, là giành các hợp đồng đặt cáp của các công ty Trung Quốc.
Một trường hợp điển hình là công ty SubCom LLC của Mỹ, vào tháng 2 đã bắt đầu đặt một tuyến cáp trị giá 600 triệu dollars Mỹ, với tốc độ cực nhanh trên 12.000 dặm cáp quang dưới đáy biển, chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.
Tuyến cáp quang này sẽ vận chuyển dữ liệu từ châu Á đến châu Âu, qua châu Phi và Trung Đông, được gọi là tuyến Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu 6, hay gọi tắt là SEAMEWE-6 (Southeast Asia-Middle East-Western Europe 6).
Một báo cáo của hãng tin Anh Reuters cho biết, chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng, người Trung Quốc có khả năng sử dụng các sợi cáp liên lạc nhạy cảm này để do thám, nên đã thực hiện một chiến dịch thành công để giành hợp đồng cho SubCom, thông qua các biện pháp khuyến khích và gây áp lực đối với một số thành viên của tập đoàn là khách hàng của công việc đặt cáp quang biển.
Liên minh này có hơn một chục công ty toàn cầu, bao gồm Tập đoàn Microsoft của Mỹ và công ty viễn thông Orange SA của Pháp, cùng với ba Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), China Mobile Limited và China United Network Communications Group Co Ltd (China Unicom).
SEAWEME-6 là một trong ít nhất sáu dự án cáp biển tư nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã can thiệp để đánh bại các cuộc đấu thầu của HMN Technologies trong bốn năm qua.
Nhà Trắng đã lưu ý ngắn gọn trong báo cáo thông tin “Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 chính thức khởi động quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” (“FACT SHEET: President Biden and G7 Leaders Formally Launch the Partnership for Global Infrastructure and Investment”) vào ngày 26/6/2022 rằng, chính phủ Hoa Kỳ đã giúp SubCom giành được hợp đồng cáp viễn thông Singapore-Pháp.
Trong trò chơi này, Bắc Kinh cũng không bị cam chịu thất bại. Trong một động thái ăn miếng trả miếng, Trung Quốc được cho là đã đặt rào cản trên tuyến cáp mà công ty Meta của Mỹ là nhà đầu tư, được gọi là tuyến cáp Đông Nam Á-Nhật Bản-2, chạy từ Singapore qua Đông Nam Á đến Hồng Kông và Đại Lục, sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc đã trì hoãn cấp phép cho công ty NEC của Nhật Bản, nhà sản xuất cáp cho dự án này. Bắc Kinh tuyên bố chưa cấp phép cho tuyến cáp đi qua Biển Đông, với lý do lo ngại về khả năng các quốc gia này “lắp đặt thiết bị giám sát trên tuyến cáp ngầm”.
Cáp ngầm: Mảnh đất màu mỡ của các cơ quan gián điệp
Các tuyến cáp ngầm dưới biển, vận chuyển phần lớn lưu lượng truy cập internet của thế giới, đã trở thành điểm tranh chấp chính giữa hai siêu cường toàn cầu, khi các cơ quan tình báo Mỹ và Trung Quốc đều có thể khai thác các tuyến cáp để thực hiện công tác giám sát.
Theo dữ liệu từ TeleGeography, một công ty nghiên cứu viễn thông có trụ sở tại Washington, hơn 400 tuyến cáp ngầm mang hơn 95% dữ liệu lưu lượng truy cập internet quốc tế trên toàn cầu.
Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên và hai nhà phân tích an ninh cho biết, những đường dẫn dữ liệu này truyền tải mọi thứ từ email, giao dịch ngân hàng đến bí mật quân sự, rất dễ bị tấn công phá hoại và hoạt động gián điệp của một cường quốc quân sự.
Chuyên gia Sherman, một thành viên tại Diễn đàn “Sáng kiến Công nghệ Mạng” của “Hội đồng Đại Tây Dương” - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, đã từng nói rằng: Các sợi cáp ngầm dưới biển là “một mỏ vàng giám sát” cho các cơ quan tình báo trên thế giới.
“Khi chúng ta nói về cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, khi chúng ta nói về hoạt động gián điệp và thu thập dữ liệu, thì cáp ngầm liên quan đến mọi khía cạnh của những căng thẳng địa-chính trị đang gia tăng đó” - báo cáo trích lời Sherman.
Các tuyến cáp ngầm dưới biển đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang diễn ra vào hồi tháng 2 vừa qua, khi hai tuyến cáp thông tin liên lạc nối Đài Loan (Trung Quốc) với quần đảo Matsu (Mã Tổ) mà Đài Bắc đang kiểm soát, bị cắt, làm ngắt kết nối internet của 14.000 cư dân.
Đài Bắc (Trung Quốc) cho biết, họ nghi ngờ một tàu đánh cá và một tàu chở hàng Trung Quốc có thể đã gây ra sự gián đoạn, nhưng không đưa ra cáo buộc chính thức đối với chính quyền Đại Lục, vì không có bằng chứng trực tiếp nào về việc các tàu Trung Quốc đã cắt cáp.
Với một đối thủ khác của Trung Quốc là Ấn Độ, Tập đoàn Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL) do nhà nước điều hành đã mất khoảng 21% tổng băng thông quốc tế trên biển Ấn Độ Dương, khi hàng loạt các sự cố gián đoạn xảy ra, bao gồm cả các kết nối đến châu Âu.
Ngoài BSNL, các tuyến cáp này cũng được sử dụng bởi các công ty truyền thông Ấn Độ khác như Bharti Airtel và Tata Communications, để truyền lưu lượng dữ liệu viễn thông quốc tế.
Khi căng thẳng địa-chính trị và Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, các cuộc chiến về cáp quang biển giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn. Trọng tâm của vấn đề là các tuyến cáp ngầm dưới biển là cơ sở hạ tầng quan trọng cho Internet.
Ấn Độ cũng từng là nạn nhân của sự cố gián đoạn mạng, đặc biệt là vào tháng 3 năm 2018, khi bốn tuyến cáp quang biển lớn kết nối quốc gia này với các khu vực khác trên thế giới bị cắt.
Nếu không có những tuyến cáp ngầm dưới đáy biển, sẽ không thể truyền dữ liệu giữa các lục địa với tốc độ và dung lượng như chúng ta ngày nay. Do đó, việc kiểm soát các tuyến cáp này được coi là tài sản chiến lược quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào muốn duy trì sự thống trị trong thời đại kỹ thuật số.
Thế giới sẽ chứng kiến những ‘trận chiến cáp ngầm’
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các tuyến cáp quang biển trong những năm gần đây, điều mà một số nhà phân tích coi là nỗ lực nhằm giành lợi thế trước Mỹ.
Đặc biệt, Trung Quốc đang xây dựng “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm kết nối Trung Quốc với các quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Trong đó, là một phần của dự án này, Trung Quốc đã đầu tư vào các tuyến cáp quang biển chạy từ Trung Quốc đến châu Âu và xa hơn nữa.
Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong không gian cáp quang biển.
Năm 2018, chính quyền của ông Donald Trump đã đề xuất kế hoạch xây dựng mạng cáp quang biển do chính phủ tài trợ nhằm kết nối Mỹ với châu Á, bỏ qua Trung Quốc một cách hiệu quả.
Đề xuất này được coi là một phản ứng đối với những lo ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với các tuyến cáp ngầm dưới biển để theo dõi thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.
Trong khi đề xuất của chính quyền Donald Trump cuối cùng bị đình trệ, cuộc chiến về cáp quang biển vẫn tiếp tục nóng lên.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh của mình tránh xa các dây cáp ngầm dưới biển do Trung Quốc sản xuất, cảnh báo rằng chúng có thể được sử dụng để theo dõi thông tin liên lạc của họ.
Nỗ lực này đã đạt được một số thành công, ví dụ như vào năm 2020, Australia tuyên bố sẽ tài trợ cho việc xây dựng một tuyến cáp biển mới nối Quần đảo Solomon với Australia, ngăn chặn hiệu quả đề xuất xây dựng tuyến cáp của một công ty viễn thông Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc đã không bị ngăn cản triệt để. Trên thực tế, họ đã tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang biển, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh của mình đã nỗ lực để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Một số nhà phân tích lập luận rằng, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát các tuyến cáp ngầm dưới biển có thể mang lại lợi thế cho nước này trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, vì nước này sẽ có quyền kiểm soát tốt hơn đối với luồng thông tin trên toàn thế giới.
Các cuộc chiến về cáp quang biển có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành quyền thống trị trong thời đại kỹ thuật số.
Khi internet trở thành một công cụ ngày càng quan trọng đối với mọi thứ, từ thương mại đến an ninh quốc gia, việc kiểm soát các tuyến cáp quang biển có thể sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Vẫn còn phải xem quốc gia nào sẽ đứng đầu trong cuộc chiến công nghệ này, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và trận chiến còn lâu mới kết thúc.