Mỹ-Trung Quốc: Nguy cơ từ chiến tranh thương mại sang đối đầu quân sự?

Hồng Anh |

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại mà còn có nguy cơ lan rộng sang lĩnh vực quân sự.

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được chiến thắng trong các thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng.

Nhiều nhà phân tích lo ngại, cuộc chiến về kinh tế có nguy cơ lan sang cả lĩnh vực quân sự, trở thành động thái gây quan ngại và ảnh hưởng tới lợi ích của các nước trong khu vực.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chưa bao giờ quan hệ Mỹ và Trung Quốc lại ở mức xấu như hiện nay. Trước đó hôm 30/9, hãng tin Reuters đưa tin, Trung Quốc đã hủy bỏ một cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Đây là phản ứng mới nhất của Trung Quốc sau một loạt động thái cứng rắn của Washington nhắm vào Bắc Kinh, bắt đầu trong lĩnh vực thương mại.

Về phía Mỹ, hãng tin CNN dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ ngày 1/10 cho biết, ông Mattis cũng đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh vào trung tuần tháng 10 để gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc thảo luận về vấn đề an ninh.

Vì lý do an ninh, Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã không nêu chi tiết về chuyến thăm Trung Quốc của ông Jim Mattis và do vậy chuyến thăm này cũng không được chính thức công bố.

Quyết định hủy chuyến thăm được đưa ra sau khi Trung Quốc hôm 27/9 từ chối cấp giấy phép cho tàu tấn công đổ bộ US Wasp của Hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong vào tháng 10, tiếp đến là vụ hai tàu chiến của Hải quân Mỹ và Trung Quốc “chạm mặt không an toàn” trên Biển Đông sáng ngày 30/9.

Theo một số nhà phân tích, ngoài thương mại, một lý do khác khiến quan hệ hai nước trở nên xấu đi, đó là những bất đồng gia tăng trên Biển Đông – nơi có các tuyến đường thương mại quan trọng.

Mâu thuẫn Mỹ- Trung Quốc trên Biển Đông

Tờ Diplomat dẫn lời nhà phân tích Robert Farley cho biết, Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông, còn Mỹ đến nay chưa có một chiến lược ngăn chặn hiệu quả. Dường như có rất ít sự lựa chọn dành cho Mỹ tại khu vực này bởi Mỹ không mong muốn bước vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc và cũng có rất ít công cụ để hạn chế sự mở rộng của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC tuần trước, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự hóa các thực thể Biển Đông, đồng thời khẳng định, Hải quân Mỹ sẽ bảo vệ các tuyến đường thương mại bằng mọi giá.

“Chúng tôi sẽ sử dụng tàu chiến để bảo vệ các vùng biển mở, nhằm đảm bảo hoạt động thương mại và các tuyến đường giao thương liên lạc luôn được mở cửa. Đó là điều chúng tôi sẽ làm”.

“Nếu Trung Quốc tới và cùng tham gia, cũng như công nhận các quy tắc quốc tế và trật tự quốc tế, chúng ta sẽ có một mối quan hệ tốt đẹp. Nếu họ kiên quyết giữ lập trường cho rằng họ sẽ sử dụng luật lệ và sự hiểu biết riêng của họ để quyết định cách thức tiến hành hoạt động thương mại, thì chúng ta sẽ phải có một số cuộc thảo luận về vấn đề này”, ông Richard Spencer nói.

Trung Quốc luôn có chủ trương gắn kết chặt chẽ an ninh kinh tế của nước này với các tuyến hàng hải đang có tranh chấp trên Biển Đông. Ước tính, hơn 64% giao dịch hàng hải của Trung Quốc được thực hiện qua vùng biển này trong năm 2016.

Là khu vực rộng lớn với hơn 200 đảo lớn nhỏ, Biển Đông đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối các tuyến đường hàng hải quốc tế, với lưu lượng hàng hóa trị giá 3,4 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm.

Biển Đông là khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng nơi đây cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn lợi ích liên quan đến các tranh chấp chủ quyền biển, đảo, phức tạp và kéo dài trong lịch sử.

Hãng tin CNBC cho biết, hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên ba tiền đồn ở Biển Đông. Hệ thống phòng thủ mới cùng với trang thiết bị tác chiến điện tử đã góp phần gia tăng đáng kể danh mục các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại một trong những khu vực “tranh chấp nóng nhất” trên thế giới.

Thỏa thuận thương mại – viễn cảnh xa vời

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/10 , Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi thỏa thuận thương mại đạt được giữa Mỹ với Mexico và Canada, nhưng đồng thời ông cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và Liên minh Châu Âu vì đã đối xử “thiếu công bằng” với Mỹ. Ông Trump cho biết, còn quá sớm để nước này đàm phán với Trung Quốc nhằm đạt một thỏa thuận thương mại.

“Họ (tức Trung Quốc - ND) đã bóc lột chúng ta trong nhiều năm”. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ không sớm xảy ra. "Trung Quốc rất muốn đàm phán rồi, và tôi nói: ‘Thực lòng mà nói, giờ còn quá sớm để đàm phán’.

Nếu mọi người cứ muốn có thỏa thuận thật nhanh, thì các bạn sẽ chẳng có được một thỏa thuận đúng đắn cho người lao động của chúng ta và đất nước của chúng ta".

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đang sử dụng việc áp đặt thuế quan như đòn bẩy để đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thì sẽ có thêm nhiều đòn áp thuế mới.

Trước đó, ông Trump đã đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Phát biểu với hãng tin CNBC cùng ngày, ông Peter Navarro – một trong những cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Donald Trump cho biết các hoạt động thương mại của Trung Quốc đang gây hại tới nền kinh tế toàn cầu.

Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh đang đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. “Khi các quốc gia đến bàn đàm phán và mặc cả một cách công bằng, chúng tôi ký kết thỏa thuận. Tổng thống Donald Trump về cơ bản tuyên bố rằng nước Mỹ không còn là nơi tích trữ tiền của của thế giới và chúng tôi là những nhà giao dịch tự do. Tất cả những gì chúng tôi tìm kiếm là giao dịch thương mại tự do và tương hỗ”, ông Peter Navarro nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại