Động thái của Trung Quốc là một phản ứng
đối lập với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ấn Độ về quyết định gia nhập nhóm
NSG, bao gồm 48 thành viên có trách nhiệm kiểm soát các giao dịch
thương mại liên quan đến hạt nhân trên toàn cầu.
Trước đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ Washington ủng hộ đơn gia nhập NSG của New Delhi và sẽ sớm đưa ra thảo luận trước toàn thể hội đồng tại Seoul (Hàn Quốc) vào cuối tháng này.
Theo International Business Times, ngoài
Trung Quốc, một số quốc gia khác bao gồm New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam
Phi và Áo cũng lên tiếng phản đối Ấn Độ trở thành thành viên mới của
NSG.
Các nước ấy nhận định mặc dù Ấn Độ nhận được sự hỗ trợ trong các thỏa thuận hạt nhân với Washington, nhưng việc quốc gia này chưa ký kết bất kỳ điều khoản nào trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ gây ra những bất đồng khi tham gia vào NSG.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hồng Lỗi cho biết: "Sự khác biệt lớn là một trong những vấn đề cần giải
quyết khi các nước không tham gia NPT muốn trở thành thành viên của NSG.
Do đó, cần có nhiều cuộc thảo luận hơn về vấn đề này để tìm kiếm sự đồng thuận và đưa ra một thỏa thuận nhất quán giữa các thành viên".
"Hiệp ước NPT là cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc không phổ biến và hạn chế sở hữu vũ khí hạt nhân, nên Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa việc tiến hành các cuộc đàm phán và tìm ra sự đồng thuận trong thời gian sớm nhất", ông Hồng Lỗi nói thêm.
Ngoài ra, các nước phản đối sự tham gia NSG của Ấn Độ nhận định rằng việc New Delhi trở thành thành viên của nhóm sẽ làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Quyết định cuối cùng về yêu cầu của Ấn Độ dự kiến chưa thể có được trong cuộc họp của hội đồng tại Seoul vào ngày 20.6 tới.