Một loạt diễn biến gần đây đã làm nổi bật những căng thẳng leo thang giữa Washington, Bắc Kinh và Đài Loan. Vụ việc lên đến đỉnh điểm trong tuần qua khi hàng loạt động thái phô diễn sức mạnh quân sự "ăn miếng trả miếng" được tiến hành ở eo biển Đài Loan. Hôm 18-4, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đến eo biển Đài Loan sau cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Đông một tuần trước đó để thực hiện cuộc diễn tập bắn đạn thật bất ngờ.
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), động thái này rõ ràng là thông điệp gửi đến lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người vừa trở về sau chuyến đi giám sát cuộc tập trận của hải quân ở ngoài khơi bờ biển phía Đông hòn đảo. Cuộc diễn tập của PLA nhằm phát tín hiệu Bắc Kinh phản đối mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Mỹ và Đài Loan.
Bắc Kinh bắt đầu lo lắng trước những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xây dựng quan hệ nồng ấm với Đài Loan kể từ khi ông nhậm chức. Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã khiến Trung Quốc khó chịu khi hoài nghi về cam kết lâu nay của Washington đối với chính sách "Một Trung Quốc" và phá vỡ quy tắc ngoại giao nhiều thập kỷ khi điện đàm với bà Thái Anh Văn. Nguyên tắc của chính sách "Một Trung Quốc" yêu cầu Mỹ từ bỏ quan hệ chính thức với hòn đảo này.
Mới đây, việc ông chủ Nhà Trắng ký kết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) và Đạo luật Qua lại Đài Loan cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ khi cả 2 đạo luật mới kêu gọi và hợp pháp hóa sự gia tăng trong các hoạt động trao đổi quân sự với hòn đảo này.
Trong 2 tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Phil Davidson cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao mối quan hệ với Đài Loan và bán nhiều vũ khí hơn nữa cho hòn đảo này.
Tuy nhiên, 2 động thái sắp tới đây của Mỹ nhiều khả năng mới là đe dọa nghiêm trọng hơn cả cho mối quan hệ Trung - Mỹ vốn đang trong giai đoạn rối ren nhất kể từ thời cố Tổng thống Richard Nixon. Thứ nhất, nếu ông Trump phê chuẩn chuyến thăm dự kiến của cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đến Đài Loan thì đây sẽ được xem là thách thức lớn nhất đối với nguyên tắc "Một Trung Quốc" và có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh.
Thứ hai, ông chủ Nhà Trắng cấp phép cho các nhà sản xuất Mỹ bán công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan, một động thái được cho là sẽ chọc giận Bắc Kinh hơn cả. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi lớn nào trong chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan cũng có thể thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, đặt biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu sáp nhập Đài Loan vào chương trình nghị sự.
Trong một kịch bản khác, ông Trump có thể nồng ấm với Đài Loan chỉ đơn giản vì cảm thấy hòn đảo này gắn liền với lợi ích cốt lõi của Mỹ về giá trị, chính trị, kinh tế và tôn trọng nền dân chủ cũng như sự tự do của hòn đảo. Song, dù theo cách nào đi nữa, Trung - Mỹ cũng khó tránh một cuộc đối đầu.