Mỹ - Trung cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua lên Mặt Trăng

Hạnh Phúc |

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua khám phá vũ trụ nói chung và chinh phục Mặt Trăng nói riêng đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Cả hai đều liên tục công bố những kế hoạch và sứ mệnh lớn lao nhằm đổ bộ lên vùng đất được coi là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này.

Vào lúc 17h40 phút (giờ GMT), khoảng 0h40 phút sáng nay (12/12), giờ Việt Nam, Orion, tàu vũ trụ trong sứ mệnh Artemis 1 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã quay trở lại Trái Đất sau chuyến bay thành công quanh Mặt Trăng. Tàu vũ trụ của NASA đã hoàn thành hành trình kéo dài gần 26 ngày và phá kỷ lục chuyến bay sứ mệnh của tàu Apollo trước đây.

Mỹ - Trung cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua lên Mặt Trăng - Ảnh 1.

Orion, tàu vũ trụ trong sứ mệnh Artemis 1 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) rời bệ phóng ngày 16/11. Ảnh: Reuters

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đánh giá, tàu vũ trụ Orion hạ cánh xuống Thái Bình Dương sau một sứ mệnh gần như là hoàn hảo.

“Đây là một ngày tuyệt vời không chỉ đối với nước Mỹ mà còn là một ngày tuyệt vời đối với tất cả các đối tác quốc tế của chúng ta. Đó là sự khác biệt so với 50 năm trước khi trước đây chúng ta đi với tư cách là một quốc gia, với tư cách là một chính phủ. Hôm nay, chúng ta đi với không chỉ các đối tác quốc tế, mà còn có các đối tác thương mại. Đây là khởi đầu của một khởi đầu mới để khám phá những thiên đường”.

Với thành công bước đầu này, người đứng đầu cơ quan NASA, Bill Nelson cũng tin rằng Mỹ sẽ chiến thắng Trung Quốc trong cuộc đua đưa người lên Mặt Trăng khi cho biết các phi hành gia Mỹ sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2025 hoặc 2026, trước năm 2030 - thời điểm mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra.

Mặc dù không nói ra nhưng đang có một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua chinh phục Mặt Trăng. Trung Quốc cũng có tham vọng lớn khi lên kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030 bằng tên lửa có người lái thế hệ mới mà họ tự sản xuất. Vào tháng 12/2018, Trung Quốc đã phóng một tàu vũ trụ robot mang tên Hằng Nga 4 lên Mặt Trăng. Tháng 1/2019, nước này đưa tàu đổ bộ xuống “vùng tối” của Mặt Trăng. Cuối năm 2020, Hằng Nga-5 với tên lửa đẩy Trường Chinh 5 đã đưa thành công các mẫu ở Mặt Trăng trở lại Trái Đất.

Mới đây, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, ông Long Lạc Hào - Viện sỹ Viện Công trình, người phụ trách chương trình không gian và thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, trước năm 2030 nước này sẽ đưa được 3 phi hành gia lên Mặt Trăng.

“Chúng tôi đang nghiên cứu hệ thống tên lửa đẩy kiểu mới, nền tảng là hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5 với ba tầng tên lửa kết nối song song. Do đó, tôi nghĩ việc đưa 3 phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030 là điều mà chúng tôi có thể hy vọng”.

Cách đây hai thập kỷ, nếu ai đó nói chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc sắp đuổi kịp Mỹ có lẽ sẽ khiến nhiều người ngờ vực. Tuy nhiên, giờ đây, theo các chuyên gia, sự chênh lệch công nghệ giữa hai bên chỉ còn được tính bằng năm. Cạnh tranh trong lĩnh vực không gian hiện đã trở thành một phần trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại