Mỹ tìm thấy mỏ lithium cực lớn, mang hy vọng thoát phụ thuộc Trung Quốc

Hoàng Vân |

Mỏ lithium có trữ lượng lên tới 3.400 kiloton, mang đến cho Mỹ cơ hội tự khai thác, tránh chịu sức ép từ nguồn cung Trung Quốc.

Tạp chí National Interest của Mỹ đưa tin, Bộ Năng lượng Mỹ xác nhận đã phát hiện một mỏ lithium có trữ lượng lớn, khoảng 3.400 kiloton ở Biển Salton của California, khiến nơi đây trở thành một trong những mỏ lithium có thể khai thác lớn nhất trên thế giới.

Vào tháng 8/2023, các nhà nghiên cứu núi lửa và địa chất Mỹ đã tìm thấy một mỏ lithium lớn ở núi lửa McDermitt Caldera cổ xưa ở Nevada, nơi có thể tạo ra từ 20.000 đến 40.000 kiloton. Nếu được khai thác triệt để, cả hai mỏ này sẽ đủ gấp nhiều lần để đáp ứng nhu cầu lithium của thế giới.

Với mỏ khoáng sản mới, Mỹ có thể kiểm soát nguồn cung cấp lithium và pin của mình, đảm bảo rằng không quốc gia nước ngoài nào như Trung Quốc hay Nga có thể đột ngột chặn nguồn cung.

Các đối thủ của Mỹ đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng sử dụng sự phụ thuộc về kinh tế và năng lượng làm vũ khí để thúc đẩy lợi ích của họ, thậm chí còn đi xa đến mức cắt nguồn cung cấp năng lượng quan trọng trong thời kỳ chiến tranh để phô trương sức mạnh với đối thủ. Rõ ràng, với việc khám phá ra mỏ lithium mới, đây sẽ là một cơ hội lớn cho Washington.

Exner-Pirot, một chuyên gia về chính sách khoáng sản quan trọng, lập luận rằng những phát hiện này là “tin tốt cho các mục tiêu an ninh và chuyển đổi năng lượng của Mỹ".

Mỹ còn có thể xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác, sản xuất và chế tạo trong và gần các mỏ này. Thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được thông qua vào tháng 8 năm 2022, Mỹ có thể đầu tư vào năng lượng trong nước và sản xuất khoáng sản quan trọng đồng thời thúc đẩy các mục tiêu về môi trường của mình.

Dự án lithium của Mỹ cũng sẽ giúp hồi sinh ngành sản xuất đang chết dần của Mỹ, phần lớn đã khiến Mỹ trở thành nền kinh tế có chi phí rẻ hơn, thuế thấp hơn và ít quy định hơn dành cho nhà sản xuất.

Với việc thúc đẩy phát triển khai thác và tinh chế lithium, sẽ là một chiến thắng chính trị to lớn, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước trước một cuộc suy thoái được dự đoán trước. Các cộng đồng và thị trấn địa phương nằm rải rác trên sa mạc phía Tây Nam cũng có thể được hưởng lợi trực tiếp từ cơ hội kinh tế này.

Mỹ sớm thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc về đất hiếm?

Hiện tại, Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong mọi hoạt động khai thác, sản xuất lithium.

Trữ lượng lithium có thể khai thác lớn nhất nằm ở Tam giác Lithium của Nam Mỹ, bao gồm Bolivia, Chile và Argentina. Chile là đồng minh hữu ích của Mỹ nhưng Bolivia và Argentina phải đối mặt với những rào cản to lớn về kinh tế, chính trị và địa chính trị đối với hoạt động sản xuất.

Sau khi khai thác, phần lớn lithium thô của thế giới sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn một nửa công suất tinh chế lithium của thế giới.

Mỹ vẫn đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm lithium từ Trung Quốc, bao gồm cả pin lithium dùng trong xe điện và thiết bị điện tử chuyên dụng. Các chính trị gia đang thúc đẩy việc cho phép khai thác và tinh chế loại nguyên liệu này tại Mỹ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch của cả hai Ủy ban Năng lượng và Ủy ban Tình báo Thượng viện đã kêu gọi Bộ Năng lượng Mỹ “thực hiện các bước để thúc đẩy sản xuất pin của Mỹ và nghiên cứu pin thế hệ tiếp theo, với lý do sự thống trị và kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc”.

Các chính trị gia nổi tiếng, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden và Donald Trump, đã mô tả rõ ràng sự cần thiết của việc Mỹ trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong khi xây dựng năng lực sản xuất và khoáng sản quan trọng của Mỹ.

Nhưng với việc sở hữu mỏ khoáng sản khổng lồ, Mỹ vẫn còn ở quãng đầu của tiến trình nắm được nguồn nguyên liệu quý giá này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại