Mỹ tiết lộ lý do điều tàu ngầm tên lửa dẫn đường tới Trung Đông

Công Thuận |

Hoạt động của tàu ngầm Mỹ thường không được công khai trừ khi Lầu Năm Góc muốn gửi một thông điệp.

Mỹ tiết lộ lý do điều tàu ngầm tên lửa dẫn đường tới Trung Đông - Ảnh 1.

Tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Florida đang ở Biển Đỏ để đáp trả các cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ trong khu vực. Ảnh: WSJ

Theo tờ Wall Street Journal, quân đội Mỹ ngày 8/4 cho biết họ đã điều một tàu ngầm tên lửa dẫn đường đến Biển Đỏ trong một cuộc biểu dương lực lượng công khai để đáp trả các cuộc tấn công gần đây vào các lực lượng của Mỹ trên khắp Trung Đông.

Tàu USS Florida, có thể mang theo hơn 150 tên lửa hành trình Tomahawk, đã di chuyển vào khu vực như một phần trong động thái rộng lớn hơn của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường lực lượng để ngăn chặn các chiến binh (mà Mỹ cáo buộc là do Iran hậu thuẫn) thực hiện thêm các cuộc tấn công nhằm vào họ và các đồng minh.

Hoạt động của các tàu ngầm thường không được công khai trừ khi Lầu Năm Góc muốn gửi một thông điệp. Các quan chức Mỹ cho biết họ có thông tin tình báo rằng các lực lượng do Iran hậu thuẫn đang có kế hoạch thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn nữa trên khắp khu vực trong thời gian tới.

Tuần trước, quân đội Mỹ thông báo họ đang tăng tốc điều động một phi đội máy bay A-10 tới khu vực để đáp trả một loạt cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Syria khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng và hàng chục người Mỹ khác bị thương.

Nhà thầu trên đã thiệt mạng vào cuối tháng 3 tại một căn cứ nhỏ ở Đông Bắc Syria, nơi các nhân viên Mỹ chủ yếu thực hiện các hoạt động chống khủng bố nhắm vào các nhóm nhỏ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo còn sót lại trong khu vực. Quân đội Mỹ nêu rõ nhà thầu này đã thiệt mạng bởi một máy bay không người lái cảm tử do các chiến binh mà Mỹ cáo buộc được Iran hậu thuẫn ở Syria phóng đi.

Đáp lại, Tổng thống Biden đã ra lệnh không kích nhằm vào những đối tượng bị tình nghi tấn công ở Syria, mà quân đội Mỹ cho biết đã tiêu diệt 8 chiến binh.

Các chiến binh sau đó đã đáp trả bằng hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa mới nhắm vào quân đội Mỹ ở Đông Bắc Syria.

Mỹ có khoảng 900 binh sĩ ở Syria, nơi họ chủ yếu làm việc cùng với nhóm chiến binh do người Kurd lãnh đạo, nhằm đảm bảo rằng các phiến quân Nhà nước Hồi giáo không thể giành lại chỗ đứng trong khu vực mà họ đã chiếm được vào năm 2014 và cai trị cho đến khi bị lực lượng Mỹ và Syria đánh bật vào năm 2019.

Theo quân đội Mỹ, kể từ đầu năm 2021, các lực lượng do Iran hậu thuẫn đã thực hiện khoảng 80 cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ trong khu vực. Chính quyền Biden đã thực hiện bốn cuộc không kích để đáp trả.

Việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông cũng diễn ra trong bối cảnh có sự thay đổi chính trị trong khu vực. Iran và Saudi Arabia gần đây đã kết thúc 7 năm đóng băng ngoại giao và đang trong quá trình khôi phục quan hệ. Hôm 6/4, bộ trưởng ngoại giao của cả hai nước đã gặp nhau tại Trung Quốc (nước giúp làm trung gian cho sự tan băng ngoại giao), nơi họ đồng ý nối lại các chuyến bay giữa Saudi Arabia và Iran.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo Arập và Hồi giáo cũng đang xem xét khôi phục quan hệ ngoại giao với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã bị phương Tây cô lập về chính trị trong hơn một thập kỷ sau khi cuộc nội chiến ở nước này nổ ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại