Mỹ thay đổi tiếp cận khu vực "sân sau" bằng cách gần lại với Venezuela

Hồng Nhung |

Sau gần 5 năm áp đặt trừng phạt nhằm vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Venezuela, chính phủ Mỹ hôm qua (18/10) đã nới lỏng một phần trừng phạt cho quốc gia Mỹ Latin này.

Động thái này được xem là chưa đủ để quốc gia Mỹ Latin là Venezuela khắc phục những thiệt hại song nó phần nào cho thấy, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã có cách tiếp cận mềm mỏng hơn so với chính quyền tiền nhiệm.

Mỹ thay đổi tiếp cận khu vực sân sau bằng cách gần lại với Venezuela - Ảnh 1.

Mua rau củ quả tại chợ Venezuela. Ảnh: AFP.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, trước những diễn biến tích cực tại Venezuela, Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép các giao dịch liên quan đến lĩnh vực dầu khí, vàng của Venezuela, cũng như dỡ bỏ lệnh cấm đối với hoạt động thương mại tại thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, bộ sẵn sàng điều chỉnh hoặc thu hồi quyết định này nếu chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận với phe đối lập.

Quyết định này đánh dấu bước tiến đáng kể trong cách tiếp cận của Mỹ nhằm gia tăng liên hệ với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, đảo ngược chiến dịch gây sức ép tối đa đối với quốc gia Nam Mỹ này vốn từng được triển khai dưới thời chính quyền của ông Donald Trump.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Venezuela, điều này là chưa đủ để bù đắp những thiệt hại về kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro nhấn mạnh: “Các quyền tự do kinh tế đối với đầu tư, thương mại, phát triển, tăng trưởng, mua bán là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng cần đến. Tôi kêu gọi dừng tất cả các lệnh trừng phạt, các cuộc đàn áp tài chính-kinh tế-thương mại chống lại Venezuela thay vì chỉ chuyển sang việc dỡ bỏ dần dần các lệnh trừng phạt. Venezuela cần phải được thoát khỏi các lệnh trừng phạt.”

Quan hệ Mỹ-Venezuela vốn rất căng thẳng từ năm 2019 với việc Mỹ dẫn đầu nhóm gần 60 quốc gia công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.

Đặc biệt, lệnh trừng phạt của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã đóng băng hàng tỷ đô la của Venezuela ở nước ngoài cũng như ngăn các giao dịch dầu thô, vốn chiếm tới 96% nguồn thu của quốc gia Nam Mỹ, qua đó gây kiệt quệ nền kinh tế và đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng sâu sắc với nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền Mỹ đang hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn, trong đó có thể kể đến việc không còn đề cập tới những đòi hỏi dưới thời của người tiền nhiệm Donald Trump như yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức, thành lập một chính phủ song song hoặc đe dọa can thiệp, đồng thời chấp nhận việc đối thoại giữa chính phủ Venezuela và các bên đối lập.

Hồi tháng 3/2022, hai nước cũng đã nối lại các cuộc tiếp xúc ở một mức độ nhất định khi Tổng thống Biden cử một phái đoàn đến Venezuela để đàm phán với chính phủ của Tổng thống Maduro về vấn đề cung ứng dầu mỏ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo đánh giá của giới phân tích, đây là sự điều chỉnh đáng kể quan điểm của Mỹ đối với Venezuela.

Đây cũng được xem là 1 phần trong tổng thể chính sách đối ngoại chung của Mỹ nhằm nhằm giành lại ảnh hưởng, uy tín, vai trò và lợi ích của Mỹ tại Venezuela nói riêng và Mỹ Latin nói chung - khu vực vốn được xem là sân sau của Mỹ, nơi đang có sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại